>> Kết nối tiêu thụ nông sản vùng Tây Bắc
Từ ngày 28-9 đến ngày 5-10, đoàn công tác TPHCM đã tới thăm và làm việc với 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình. Chuyến đi đã mở ra giai đoạn hợp tác phát triển mới giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Bắc. Kết thúc chuyến làm việc, đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi.
Đồng chí Huỳnh Cách Mạng khẳng định: Nhu cầu về thực phẩm sạch đang là đòi hỏi bức thiết của hơn 10 triệu dân TPHCM, trong khi đó, các tỉnh vùng Tây Bắc rất dồi dào sản vật. Mối quan hệ, hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh Tây Bắc càng khăng khít vừa giúp người dân TPHCM được tiếp cận với nguồn nông sản sạch, vừa giúp người dân các tỉnh Tây Bắc có thể bán được nông sản, từng bước nâng cao giá trị các mặt hàng truyền thống. TPHCM và các tỉnh Tây Bắc có mối quan hệ truyền thống, kết nghĩa từ nhiều năm qua. Các tỉnh Tây Bắc đã gắn kết với Gia Định xưa và TPHCM nay như anh em ruột thịt, thân thiết, thắm đượm tình đoàn kết.
* PV: Trong chuyến đi, lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Tây Bắc đã đặt nền móng với các chủ trương chung. Còn cụ thể việc hợp tác giữa các bên sẽ được thực hiện như thế nào?
* Đồng chí Huỳnh Cách Mạng: TPHCM tổ chức đoàn đi đến các tỉnh Tây Bắc giúp mỗi chúng ta hiểu sâu sắc hơn tình hình kinh tế - xã hội và thế mạnh của các tỉnh bạn. Chuyến đi rất thành công, vừa thắt chặt tình đoàn kết, vừa mở ra quan hệ hợp tác, làm ăn trong giai đoạn mới. Cả về mặt tình cảm thân thiết và song song là mối quan hệ làm ăn kinh tế, TPHCM và các tỉnh Tây Bắc đều tiếp tục kế thừa, phát huy bằng các hành động thiết thực.
Thời gian tới đây, các tỉnh Tây Bắc sẽ vào thăm TPHCM, bàn bạc cụ thể các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai chương trình ký kết hợp tác. Trên cơ sở các dự án mà các tỉnh bạn quan tâm, đề đạt, sau chuyến công tác, đoàn công tác TPHCM sẽ họp lại, nghiên cứu cụ thể các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, các công trình dự án tiềm năng TPHCM có thể hợp tác. TPHCM sẽ giao cho các đơn vị, trong đó Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM làm đầu mối, cùng các doanh nghiệp sẽ triển khai ngay chương trình hợp tác cụ thể. Từng ngành, từng đơn vị sẽ tiến hành hợp tác theo chuyên môn sâu của mình. Trong đó, về du lịch, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), bắt tay ngay vào phối hợp với các tỉnh thực hiện video dài 20 phút giới thiệu các danh lam thắng cảnh, điểm đến nổi tiếng của các tỉnh bạn để quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông. TPHCM tiếp tục hỗ trợ, tư vấn phát triển du lịch và đào tạo nhân lực ngành du lịch giúp các tỉnh.
Đặc biệt, về hợp tác đưa nông sản các tỉnh Tây Bắc đến với TPHCM, các đơn vị như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Saigon Co.op, sẽ tổ chức các chuyến đi có bộ phận kỹ thuật, bộ phận thu mua đến từng địa phương. Chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của hai đơn vị này sẽ hướng dẫn bà con các tỉnh quy trình trồng các loại cây trái, rau quả sạch, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, thiết lập một quy trình thu mua nông sản, đưa các đặc sản của núi rừng Tây Bắc đến với người dân TPHCM và cả nước, qua hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của các đơn vị.
* Khoảng cách địa lý giữa TPHCM và các tỉnh Tây Bắc xa như vậy có gây trở ngại gì cho việc đáp ứng yêu cầu được ăn sạch, uống sạch của người dân TPHCM?
* Đúng là nhu cầu về thực phẩm sạch đang là đòi hỏi bức thiết của hơn 10 triệu dân TPHCM. Với tình cảm, trách nhiệm với các tỉnh và cũng là đáp ứng nhu cầu thực tế của chính chúng ta, TPHCM đang nỗ lực thúc đẩy liên kết vùng, gắn chặt vùng nguyên liệu ở các tỉnh với hệ thống phân phối hiện đại, rộng khắp của thành phố. Trong mối hợp tác này, tất cả các bên cùng có lợi, người Việt được dùng sản vật chất lượng của người Việt và những nơi xa xôi, các bản làng, cũng có điều kiện giới thiệu các mặt hàng truyền thống tới một đô thị rộng lớn như TPHCM và cả nước.
Tôi cho rằng khoảng cách địa lý xa xôi không là trở ngại nếu TPHCM và các tỉnh có kế hoạch hợp tác được bàn tính thật kỹ, đề cao tính hiệu quả. Dù xa xôi cách trở bao nhiêu, chúng ta vẫn làm được. Dấu ấn tích cực, từ đầu tháng 10-2016, cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đã bắt đầu xuất hiện trong hệ thống siêu thị Coop mart của Saigon Co.op. Hiện nay, mặc dù sản lượng và số lượng các mặt hàng Tây Bắc xuất hiện ở TPHCM chưa nhiều, song là dấu hiệu cho thấy khởi đầu một mối quan hệ sâu sắc, toàn diện sắp tới. Với nỗ lực của các bên, chắc chắn không bao lâu nữa, các đặc sản như trà, gạo, chanh, bưởi… ở các tỉnh Tây Bắc sẽ có mặt trong chuỗi siêu thị ở TPHCM cũng như cả nước.
MẠNH HÒA (thực hiện)
Đoàn công tác TPHCM thăm thủy điện Hòa Bình (SGGP). - Kết thúc chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Bắc, ngày 5-10, Đoàn công tác TPHCM do đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đã tới thăm thủy điện Hòa Bình. Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang trao quà lưu niệm cho đại diện Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Việt Dũng Thay mặt Thường trực Thành ủy TPHCM, đồng chí Tất Thành Cang bày tỏ lòng ngưỡng mộ và cảm ơn cán bộ công nhân viên, chuyên gia thủy điện Hòa Bình, đã cống hiến, tạo ra nguồn điện chủ lực trong hệ thống điện Việt Nam, góp phần cho cả nước nói chung và TPHCM nói riêng phát triển. Đồng chí Tất Thành Cang chúc cán bộ công nhân viên, chuyên gia của thủy điện Hòa Bình tiếp tục đảm bảo an toàn sản xuất, vận hành trong cung cấp điện lưới quốc gia, đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. ĐƯỜNG LOAN |