Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ bế mạc ngày 17-2 (giờ Việt Nam) sau hai ngày thảo luận hàng loạt các vấn đề quan trọng của khu vực và quan hệ song phương từ kinh tế đến an ninh.
Cách Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chọn địa điểm và đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN đã nói lên sự tôn trọng vị thế của ASEAN. Sunnylands, bang California nằm ở phần bờ Tây của nước Mỹ, giáp Thái Bình Dương. Điều này ngụ ý rằng Hoa Kỳ cũng là một phần khu vực của châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì thế, Tổng thống Barack Obama đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo ASEAN: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, tôi đã quyết định rằng Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, sẽ cân bằng lại chính sách ngoại giao của mình, đóng vai trò lớn hơn và lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Ngày khai mạc hội nghị, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ra tận cổng đón tiếp lần lượt 10 nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN cùng Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh và dẫn từng người vào trong hội trường.
Có thể nói, ASEAN là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN có biển Đông là biển duy nhất trên thế giới nối liền hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, với nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng, cung cấp từ 70% - 80% lượng dầu lửa từ Trung Đông nhập khẩu cho các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các tuyến đường này cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm xuất nhập khẩu của khối các nước ASEAN. Với 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014, Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại quốc tế, với 50% thương mại thế giới đi qua đây.
Một sự trùng hợp thú vị là sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cùng diễn ra năm 1995. Hơn 20 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh trên nhiều mặt. Sau khi Việt Nam - Hoa Kỳ ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) vào năm 2000 và Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch thương mại hai nước nhảy vọt, từ mức chưa đầy 1 tỷ USD lên hơn 45 tỷ USD hiện nay và theo Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) thương mại song phương có thể đạt 80 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với đó, quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực khác, nhất là về giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và giao lưu nhân dân ngày càng rộng và sâu hơn. Trong thời gian tới, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, quan hệ hai nước càng có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Việt Nam cũng không ngừng có những đóng góp tích cực kể từ khi gia nhập ASEAN, trong đó đóng góp cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác quan trọng, bao gồm Hoa Kỳ. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2010, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN đã góp phần thúc đẩy quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada.
Sự gắn kết giữa Việt Nam với các thành viên ASEAN và vai trò tích cực của Việt Nam trong khối đã đóng góp quan trọng trong việc nâng tầm vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ một lần nữa đã khẳng định điều này.
THỤY VŨ