Văn hóa là phạm trù đặc trưng của đời sống con người, là nền tảng tinh thần của xã hội, là nhu cầu thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Văn hóa biểu hiện xu hướng cũng như chất lượng sống của người dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam coi việc xây dựng, nâng tầm văn hóa trong đời sống xã hội là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Ngay từ ngày dựng nước, “Đề cương văn hóa” của Đảng đã ra đời, và từ đó đến nay, qua 10 lần đại hội, văn hóa luôn là chủ đề được đặc biệt quan tâm. Trong nhiệm kỳ qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 tạo hướng và nền tảng phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Tại dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XI đang tiến hành, cũng đề cập: “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển…”. Và rằng: “Trong kinh tế phải có văn hóa, văn hóa phải thấm sâu vào mọi hoạt động kinh tế và phát triển”.
Đường lối phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế là đường lối đúng đắn, khoa học, phù hợp quy luật khách quan và nhu cầu nội tại của đất nước ta.
Chính phủ và các cấp chính quyền, trong nhiều năm qua đã liên tục chỉ đạo, quản lý thực hiện nhiều quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển văn hóa với các quy mô khác nhau, đã đạt được không ít thành tựu về sáng tạo văn học nghệ thuật, về xây dựng nếp sống, xây dựng con người hiện đại và nhiều mặt hoạt động cụ thể khác.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi rộng lớn và ngày càng cao của thời đại, những gì đã làm được vẫn chưa đáp ứng đủ những gì mà cuộc sống và người dân đang mong đợi. Đó là những bất cập, yếu kém trong các khâu quan yếu của hoạt động văn hóa: sự mất cân đối nghiêm trọng trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, sự thiếu hiếm các sản phẩm văn hóa chất lượng cao, sự thiếu tập trung đồng bộ trong đầu tư, sự thưa vắng nguồn lực nhân tài cũng như sự yếu ớt, phân tán của thị trường văn hóa…
Theo quan điểm của Đảng ta, văn hóa bao quát nhiều lĩnh vực quan trọng và có mối quan hệ nội sinh hữu cơ: văn học, nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan hệ cộng đồng, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, thông tin đại chúng, bảo tồn phát huy di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số và hợp tác giao lưu quốc tế… Nền văn học nghệ thuật của chúng ta lấy nhân văn – nhân đạo làm mục tiêu phát triển, chăm lo bồi đắp con người có lý tưởng cao đẹp và có kỹ năng thành thục, nhằm hoàn thiện bản ngã, đồng thời làm phong phú quan hệ cộng đồng.
Nhiệm vụ phát triển văn hóa trong thời kỳ trước mắt và tương lai hết sức lớn và nặng. Để văn hóa có thể đổi mới đồng nhịp và cùng quy mô với kinh tế, đòi hỏi triển khai rộng rãi các chương trình vĩ mô, đồng thời đòi hỏi phải được giám sát, chăm chút thường xuyên, khoa học và trách nhiệm bởi hệ thống bộ máy chức năng từ trung ương tới địa phương.
Để thực hiện thành công đường lối của Đảng về văn hóa, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt, trước hết phải hoàn thiện tối đa hệ thống thiết chế, bộ máy vận hành và mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật trên phạm vi địa phương, vùng miền và toàn lãnh thổ. Việc tăng cường số lượng và chuẩn hóa chất lượng đội ngũ, đặc biệt đối với cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, văn nghệ sĩ… là việc cần làm ngay và cần được duy trì lâu dài. Trong lúc phải chú trọng làm hài hòa các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp đỉnh cao với phong trào nghệ thuật đại chúng nhằm đồng thời thúc đẩy chất lượng lẫn hiệu quả hoạt động ở cả hai bình diện một cách sâu rộng, cần ra sức đẩy mạnh sự tiến bước nhịp nhàng, song hành giữa hai lĩnh vực hiện đại với truyền thống.
Cùng với việc làm sâu sắc thêm tiến trình xã hội hóa để gặt hái thêm thành tựu mới từ các hình thức nghệ thuật hiện đại, Nhà nước cần đứng ra gánh vác hỗ trợ hoặc nuôi dưỡng nhằm phục hưng và duy trì các hình thức nghệ thuật truyền thống có giá trị cao. Lại cần có kế hoạch rộng lớn sưu tầm, gìn giữ, phát triển văn nghệ dân gian, văn nghệ dân tộc thiểu số, từ đó dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc độc đáo, đậm đà bản sắc Việt Nam. Hố ngăn cách về hoạt động và hưởng thụ văn hóa giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền núi đang ngày càng rộng ra, cần có sách lược khắc phục từng bước trong thời gian cụ thể.
Bên cạnh đó, để phát triển văn hóa thông qua kinh doanh sản phẩm văn hóa, Nhà nước cần sớm quy hoạch, phát triển thị trường văn hóa trên các địa bàn khác nhau trong cả nước. Mặt khác, bên cạnh việc huy động nguồn lực xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hóa, Nhà nước cần gánh vác những khâu, những việc khó khăn và quan yếu mà các lực lượng ngoài Nhà nước không hoặc ít có khả năng thực hiện, như đào tạo đội ngũ chính quy, tạo lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và các vùng hẻo lánh.
Trong tiến trình đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới ở nước ta sau Đại hội Đảng lần thứ XI, đổi mới hoạt động văn hóa phải là một trong những mũi nhọn hàng đầu cùng với đổi mới kinh tế, chính trị nhằm góp phần hoàn thiện thượng tầng kiến trúc, chủ động hội nhập quốc tế và phát triển đất nước bền vững.
Sau 5 và 10 năm nữa, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta sẽ được tăng lên đáng kể. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải làm gì để cũng vào các thời điểm đó, hưởng thụ văn hóa của nhân dân ta cũng được nâng lên tầm cao mới tương xứng.
GS-TS TRẦN LUÂN KIM