Nâng ý thức phục vụ của Cảnh sát Giao thông

Lâu nay, đã xảy ra nhiều vụ Cảnh sát Giao thông (CSGT) hành xử thô bạo khi làm nhiệm vụ khiến dư luận bất bình, thế nhưng lại không được thanh tra, điều tra làm rõ để chấn chỉnh một cách kiên quyết và nghiêm túc. Mới đây, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM đã có văn bản trả lời báo chí về một số vụ việc liên quan CSGT, nhưng cách trả lời không làm thỏa mãn yêu cầu thông tin của dân, khiến người dân nghĩ các vụ việc có thể bị ém nhẹm, chìm xuồng.

Lâu nay, đã xảy ra nhiều vụ Cảnh sát Giao thông (CSGT) hành xử thô bạo khi làm nhiệm vụ khiến dư luận bất bình, thế nhưng lại không được thanh tra, điều tra làm rõ để chấn chỉnh một cách kiên quyết và nghiêm túc. Mới đây, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM đã có văn bản trả lời báo chí về một số vụ việc liên quan CSGT, nhưng cách trả lời không làm thỏa mãn yêu cầu thông tin của dân, khiến người dân nghĩ các vụ việc có thể bị ém nhẹm, chìm xuồng.

Dư luận vẫn chưa quên vụ anh Trần Văn Hiền say xỉn cự cãi với CSGT Tân Phú liền bị 2 người lạ đánh, dẫn đến tử vong ngày 9-4-2013. 2 người đánh anh không quen biết với anh mà quen với CSGT. Nghe qua, bất kỳ người nào cũng đặt ra nghi vấn, thế nhưng, những điều tra viên có nghiệp vụ vẫn chuyển sang Viện KSND kết luận không rõ nguyên do 2 người lạ đánh anh Hiền.

Để rồi khi xét xử, TAND buộc phải trả hồ sơ yêu cầu công an điều tra bổ sung mối quan hệ giữa CSGT với 2 kẻ đánh người kia. Ngay từ đầu, nếu cơ quan điều tra làm hết trách nhiệm thì chỉ cần xác định các CSGT này có gọi điện thoại cho 2 tên đánh người kia không là có thể tìm ra manh mối bản chất vụ việc.

Cũng tương tự như vậy, một người dân sau khi cự cãi với CSGT quận Tân Bình cũng bị người lạ đánh dẫn đến tử vong. Rồi vụ một CSGT quận 8 bị dân tố là đạp ngã người đi đường khi thanh niên này không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe của CSGT ngày 28-3-2014. Vụ việc kéo dài 4 tháng nay vẫn chưa có kết luận. Nếu công an làm hết trách nhiệm thì phải xác minh, lấy lời khai của những người chứng kiến.

Đằng này, khi vụ việc qua đi, công an lại dùng bản cam kết “không khiếu nại” của người bị hại để chứng minh rằng việc đã kết thúc. Đó cũng là cách mà CSGT trả lời cho công chúng sau vụ truy đuổi, khóa tay học sinh trên đường, với “bản tự khai” của em học sinh rằng CSGT chỉ ôm, giữ chặt tay em chứ không đánh.

Cái lý nằm trong hồ sơ vụ án, nhưng cái tình lại nằm trong niềm tin của người dân. Đỉnh điểm của sự phẫn nộ có lẽ là vụ cô gái Lý Nguyễn Minh Nhi tố cáo CSGT sau khi tạm giữ xe đã bỏ rơi cô giữa khuya ngay chân cầu Sài Gòn không đảm bảo an ninh. Cô gái ấy đã năn nỉ xin CSGT cho quá giang đến chỗ có ánh sáng, hoặc đứng cùng cô cho đến khi đón được taxi, vậy mà CSGT vẫn bỏ mặc cô với câu trả lời lạnh lùng: “Đó là chuyện của cô!”.

Khi lưu thông trên đường vào ban đêm, nếu thấy bóng dáng CSGT, người dân sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Thế nhưng, với lối hành xử như thế, những CSGT đó đã làm mất đi niềm tin và thật đáng trách, họ đáng phải bị kỷ luật nghiêm khắc.

Nói cho công bằng, quyền lợi giữa người vi phạm và người xử lý vi phạm đối kháng nhau, nên CSGT rất cần thái độ hành xử chuẩn mực, tôn trọng người dân để được người dân tôn trọng lại. Để công bằng, công an cần điều tra một cách công tâm, nhanh chóng làm rõ những vụ việc CSGT sai phạm để làm trong sạch ngành. Đó là cách để hình ảnh CSGT đẹp trong mắt người dân, làm sáng lên những tấm gương CSGT quả cảm bắt cướp trên đường, CSGT chở thí sinh đi thi cho kịp giờ khi thấy thí sinh bị kẹt đường.

Để phát huy cái đẹp, rất cần lãnh đạo ngành công an nâng cao ý thức pháp luật cho chiến sĩ của mình, cần phân biệt đâu là vi phạm hành chính, đâu là vi phạm hình sự để có hành vi xử lý cho phù hợp. Như việc người dân vi phạm hành chính mà CSGT lại truy đuổi gây nguy hiểm trên đường là không cần thiết. Bên cạnh đó, yêu cầu bức thiết nhất chính là phải thường xuyên giáo dục thái độ phục vụ của CSGT khi tiếp xúc với dân.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục