(SGGPO).- Rục rịch bước vào dịp Tết 2013, các nghệ sĩ đã bắt đầu tung ra các chương trình hài được ấp ủ cả năm trời. Ai cũng mong mang đến cho khán giả những chương trình mới hơn, “độc” hơn năm ngoái. Tạo sức hút với công chúng đang là vấn đề cạnh tranh quyết liệt của các nghệ sĩ. Năm nay, cùng với việc dựa vào tích xưa để phóng tác, có nhiều tác phẩm tập trung chủ yếu vào đề tài hiện đại để phản ánh bằng tiếng cười hóm hỉnh.
Như mọi năm “chuyên hài” đạo diễn Phạm Đông Hồng tiếp tục bắt tay với các nghệ sĩ tên tuổi của hai miền Bắc Nam để cho ra đời 3 chương trình hài được dự báo là sẽ ăn khách: “Xuân Hinh 2013”; “Cụ tổ hiển linh” và “Không hề biết giận”. Ông tâm sự: “Chúng tôi muốn mời công chúng thưởng thức mâm cỗ có đầy đủ món ăn, đáp ứng nhiều tầng lớp xã hội.
Tiểu phẩm “Chiếc gương thần kỳ” khai thác ý tưởng lạ, được thể hiện bằng tiếng cười đậm lối tư duy triết lý dân gian Việt Nam, hài hước mà thâm thúy.Vào cái thời con người còn chưa biết thế nào là chiếc gương soi, có một gã nông dân tên Tròn nằm mộng được Táo ông ban cho một chiếc gương. Sự xuất hiện của chiếc gương khiến gia đình thằng Tròn xảy ra nhiều chuyện động trời. Thằng Tròn (Xuân Hinh) nhìn vào gương bỗng đùng đùng vác chổi đuổi đánh vợ. Vợ thằng Tròn (Hồng Vân) nhìn vào gương cũng nhảy dựng lên cấu xé chồng. Bà mẹ chồng (Thu Hà) thấy ồn ào vào can, tự dưng lại quay ra gào khóc thê thảm. Không giải quyết được mâu thuẫn, cả nhà kéo ra công đường cậy nhờ Quan huyện (Tiến Đạt) phán xử.
Đĩa “Không hề biết giận” là chuyện phim được phóng tác từ giai thoại đặc sắc trong kho tàng chuyện cười dân gian Việt Nam Phú ông kén rể. Câu chuyện xoay quanh các nhân vật do Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý… đảm trách là một cuộc đấu trí gay cấn giữa một bên láu cá, liên tục bày trò chọc giận và một bên tức nghẹn cổ nhưng vẫn phải nhe răng “Giận mày tao ở với ai?”.
Sau hai phim được làm theo tích cổ thì “Cụ tổ hiển linh” lại đem đến những góc nhìn châm biếm của cuộc sống hiện tại. Một ngày cuối năm, dòng họ Phềnh ở một làng nọ bỗng dưng bấn loạn vì tin ông Việt Kiều Mỹ– Một bậc cha chú trong họ thình lình về quê ăn tết. Số là từ đầu năm vị này đã gửi về quê nhà một khoản tiền lớn thuê đúc một pho tượng Ông Bành Tổ bằng đồng dựng giữa sân nhà thờ tổ, những mong để con cháu dòng họ đời đời được hưởng vượng khí của ông Bành mà phất lên…
Khốn nỗi, số tiền vừa gửi về đã bị các vị vai vế trong họ thi nhau xà xẻo vào những mục đích giời ơi đất hỡi, thành thử pho tượng mới chỉ làm được cái bệ đã phải dừng! Rất nhiều tình huống hài hước, oái oăm gay cấn dồn dập phát sinh. Tiếng cười trong phim sâu sắc, đậm tính phê phán những thói hư tật xấu đang nảy nở và hoành hành trong đời sống xã hội, đặc biệt ở những vùng nông thôn đang trong quá trình “đô thị hóa”.
MAI AN