Luồng tàu biển Soài Rạp có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống cảng biển TPHCM. Luồng tàu dài 54km và rộng khoảng 140m - 160m, khi nạo vét đến độ sâu 12m, có thể đón tàu đến gần 100.000 tấn ra vào. Luồng sẽ dẫn tàu từ biển, đi vào sông Soài Rạp đến hệ thống cảng biển của TPHCM ở khu vực Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè - nơi các cảng biển nằm trên sông Sài Gòn, sâu trong nội thành TPHCM đã và đang di dời đến.
Nạo vét đến độ sâu 9,5m
Ngày 31-3, đúng như đã hẹn, Ban Quản lý Đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) thuộc Sở GTVT TPHCM đã đưa chúng tôi đến thăm con tàu Uilenspiegel - tàu hút bùn tự hành của Vương quốc Bỉ - con tàu mà hôm nay (ngày 1-4-2013) sẽ chính thức tiến hành công tác nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp. Tàu Uilenspiegel có chiều dài 142,8m, rộng 26,8m, hoạt động như một máy hút khổng lồ với độ sâu có thể vươn tới 50m. Tàu gồm một hệ thống ống hút có đường kính 1,2m, một hệ thống ống xả đường kính 1m và khoang chứa bùn đất hút được có khả năng chứa đến 13.700m³.
Theo ông Bruno Dregrande, Giám đốc dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp của nhà thầu Dredging International - nhà thầu Bỉ được chọn thực hiện việc nạo vét, một hệ thống theo dõi tự động trên tàu cho phép chỉ dẫn tàu đi hút đúng hướng, hút đến đúng độ sâu như thiết kế. Mỗi khi lượng bùn đất hút được đầy khoang chứa, tàu sẽ tiến hành xả ở những vị trí đã được tính toán an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Nếu không gặp những sự cố bất ngờ, bất khả kháng, trung bình tàu sẽ hút được khoảng 70.000m3 bùn, đất/ngày.
Trong toàn tuyến luồng dài 54km, tàu Uilenspiegel sẽ đảm nhận nạo vét 30km tính từ biển vào và 24km còn lại nằm sâu trong đất liền sẽ do nhà thầu Khánh Giang của Việt Nam, vốn là nhà thầu phụ của nhà thầu Dredging International đảm trách.
Tuy nhiên, để hoàn chỉnh lại toàn bộ tuyến luồng trước khi đưa vào hoạt động, tàu Uilenspiegel sau khi nạo vét xong 30km gần biển, sẽ tiến hành rà soát lại 24km tuyến luồng phía trong. “Đây là một động thái của nhà thầu Dredging International nhằm đảm bảo cho việc nạo vét toàn tuyến Soài Rạp được chính xác như thiết kế (do tàu Uilenspiegel có những thiết bị định vị đảm bảo cho điều ấy)” - ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) cho hay. Thời gian cho việc nạo vét đến độ sâu 9,5m của nhà thầu Dredging International là một năm.
Niềm vui ở Hiệp Phước
Có mặt từ rất sớm ở tàu Uilenspiegel là ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Cảng Container quốc tế Sài Gòn (SPCT) - cảng container vào loại hiện đại bậc nhất ở Hiệp Phước. SPCT được xây dựng và đi vào hoạt động ở Hiệp Phước từ năm 2009. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 - 70.000 tấn và công suất tiếp nhận là 1 triệu container/năm.
Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, hoạt động kinh tế ảm đạm, luồng Soài Rạp chưa được nạo vét đến độ sâu cần thiết… nên SPCT chưa hoạt động hết năng lực của mình. Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm cho biết, hiện trung bình mỗi tuần có 8 tàu ra vào SPCT và SPCT tiếp nhận lượng container đạt khoảng 30% công suất. Chính vì vậy, đối với SPCT việc TPHCM bắt đầu nạo vét Soài Rạp là niềm vui rất lớn. “Nó có thể giúp SPCT nâng lượng container tiếp nhận đạt khoảng 70% công suất” - ông Nguyễn Lê Chơn Tâm khẳng định.
Theo kế hoạch phát triển hệ thống cảng biển TPHCM ở khu vực Hiệp Phước, ngoài SPCT còn có cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, cảng Tân Thuận Đông, và cả Tân Cảng… Do vậy, Sở GTVT TPHCM cho biết, sự kiện nêu trên cũng là niềm vui chung của các cảng biển trong khu vực. Nhưng không chỉ có vậy, những cảng còn nằm sâu trong nội thành TPHCM cũng có thể hưởng lợi từ dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp, vì khi tuyến luồng đi vào hoạt động, tàu các loại có thể theo luồng này vào sâu bên trong thay vì đi luồng Lòng Tàu hiện hữu.
Sở GTVT cho biết thêm, cùng với động thái nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp, TPHCM đã chính thức ghi vốn chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng hơn 2km đường kết nối cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với hệ thống giao thông chung của khu vực. Con đường này sẽ không chỉ giúp cảng Sài Gòn - Hiệp Phước mà còn giúp kết nối toàn bộ hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước với hệ thống giao thông chung. Đây là điều kiện tiên quyết cho các cảng biển ở đây vừa tiện đường thủy vừa thông thoáng đường bộ và có điều kiện phát triển tốt hơn, khơi thông một nguồn lực lớn của TPHCM.
Nguyễn Khoa