Quốc hội thảo luận về phòng chống tham nhũng

Nể nang, né tránh là môi trường “nuôi dưỡng” tham nhũng

Nể nang, né tránh là môi trường “nuôi dưỡng” tham nhũng

Sau khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình triển khai Luật Phòng chống tham nhũng sáng qua 31-10, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, nếu không sớm khắc phục tình trạng nể nang, né tránh thì đó sẽ là môi trường nuôi dưỡng tham nhũng phát triển.

  • “Bản đồ” chống tham nhũng chưa rõ nét

Nể nang, né tránh là môi trường “nuôi dưỡng” tham nhũng ảnh 1

Đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu tại hội trường. Ảnh: M.Đ.

Câu chuyện về hàng chục bộ ngành, địa phương không báo cáo số liệu về tham nhũng mà dư luận bức xúc thời gian qua lại được các ĐBQH “xới” lên. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, đến nay mới có 9 bộ ngành, và 28 địa phương báo cáo số liệu tham nhũng.

 Nhiều lĩnh vực, bộ, ngành có đã có dư luận, phản ánh bức xúc về tình hình tiêu cực, tham nhũng nhưng các báo cáo vẫn chưa thấy phát hiện, xử lý vụ việc sai phạm nào.

Đại biểu Ngô Sỹ Hưởng (Thái Nguyên) cho rằng, rõ ràng “có một bộ phận cán bộ lãnh đạo còn thờ ơ, coi như cơ quan đơn vị mình không có gì tham nhũng”. Ông đề nghị Chính phủ phải làm rõ, những địa phương nào chưa có báo cáo, lý do tại sao?

Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) nhận xét: báo cáo không cho biết tình hình tham nhũng hiện nay như thế nào, kết quả đấu tranh đến đâu. “Nói cách khác, “bản đồ” chống tham nhũng hiện nay được vẽ chưa rõ nét”. Trong khi đó, tham nhũng hiện đang phổ biến trên tất cả mọi lĩnh vực, “đụng đến cơ quan nào, ngành nào là đều có tham nhũng, ngay cả cơ quan chuyên chống tham nhũng cũng bị tham nhũng tấn công”.  

  • Né tránh hay không đồng lòng?

Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2007

Chiều qua, 31-10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2007. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2007 là 281.900 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 354.900 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 56.500 tỷ đồng, bằng 5% GDP. Theo dự toán này, từ năm 2007, sẽ không đưa xổ số kiến thiết vào cân đối ngân sách. Cũng chiều qua, Quốc hội đã thông qua các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 mà Chính phủ và Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH đề xuất.

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thừa nhận, đã xuất hiện tình trạng nể nang, hữu khuynh trong xử lý các vụ việc tham nhũng, hoặc xử lý không nghiêm, mà điển hình là vụ TAND Hải Phòng xử các bị cáo trong vụ đất đai ở Đồ Sơn.

Đại biểu Trần Văn Điệt (Vĩnh Long) cho rằng, đây là vấn đề không phải chỉ riêng ở vụ Đồ Sơn, mà nhiều nơi khác cũng có biểu hiện như thế. “Nể nang, né tránh chính là môi trường “nuôi dưỡng” tham nhũng phát triển” - ông Điệt bức xúc. Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn chỉ ra rằng, né tránh, nể nang ở cấp cao còn khá nhiều và phổ biến: “Vụ hồ Trị An bị băm nát, đến tai Thủ tướng nhưng vẫn không xử lý được. Đó là do nể nang, né tránh chứ còn gì!”.

Dẫn dắt thêm ví dụ, đại biểu Nguyễn Đức Dũng băn khoăn trước nhiều trường hợp khi tiền của Nhà nước mất, thì những người có trách nhiệm nói là “tôi bị lừa”, chẳng hạn như vụ Nguyễn Lâm Thái, vụ Rusalka... “Tại sao những đồng chí có trách nhiệm như thế, có trình độ như thế mà lại bị lừa dữ dội như vậy?” - ông Dũng khôi hài. Đại biểu Trần Thanh Vân (Hà Nội) thẳng thắn hơn: “Chúng tôi nghĩ, nếu không có phong bì, hối lộ thì có khi không cơ quan nào bị lừa!”

Từ thực tế trên, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đi sâu phân tích, bình luận câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương vừa qua: “Hiện nay chống tham nhũng mới nặng trên giấy tờ”, và nhắc lại băn khoăn của Thủ tướng là chúng ta đã thực sự đồng lòng chống tham nhũng chưa?

Theo đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, rõ ràng để ban hành được Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị quyết Trung ương 3 là đã có sự đồng lòng, nhưng “sự đồng lòng ấy chủ yếu phản ánh trên văn bản”. Trong khi đó, trên thực tế “lực lượng tham nhũng và lực lượng không chống tham nhũng có thể đang ở thế áp đảo”. Vì thế, ông Ngoạn cho rằng, cần phải xoay chuyển tình thế, phải làm sao “những người chống tham nhũng và những người không tham nhũng” luôn luôn ở thế áp đảo.

  • Quốc hội cũng chưa làm hết trách nhiệm

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ khác, đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) có cùng nỗi day dứt lớn khi tính toán rằng, số tiền bị tham nhũng (ước tính chưa đầy đủ) đã bằng tới 7,8% vốn đầu tư XDCB năm 2006, trong khi số tiền thực thu lại được khi khắc phục hậu quả các vụ tham nhũng này chỉ đạt có 12,7 tỷ đồng, bằng hơn 3%! Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân thẳng thắn: “Quốc hội cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Ngay trong nhiệm kỳ này, vẫn có một số đại biểu Quốc hội chưa gương mẫu, đã bị câu lưu, xử lý. Báo cáo của Chính phủ nêu nhiều bộ ngành, địa phương chưa báo cáo về tình hình chống tham nhũng, vậy các vị ĐBQH ở các ngành, các địa phương đó đã chất vấn lãnh đạo bộ ngành, địa phương đó tại sao chưa có hay không?”.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định, báo cáo của Chính phủ đã nêu khá cụ thể những “địa chỉ đen”, cho thấy những bước chuyển đồng bộ hơn, khẩn trương và kiên quyết hơn trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Chủ tịch QH yêu cầu Chính phủ và Quốc hội nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cụ thể để Luật Phòng chống tham nhũng thực sự phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, các vụ án nổi cộm về tham nhũng thời gian qua phải sớm được đưa ra xét xử để “từ nay đến tháng 3 sang năm, có kết quả báo cáo Quốc hội”. 

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2007 Chính phủ sẽ tập trung rà soát các quy định ở 10 lĩnh vực trọng tâm là: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý cán bộ, công chức; quản lý ngân sách nhà nước; giao thông - vận tải; xây dựng; y tế; giáo dục; tư pháp; và hành chính tư pháp. Đồng thời, Chính phủ sẽ tổ chức xây dựng một số cơ chế, chính sách mới phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng như: thí điểm tổ chức thực hiện mô hình mua sắm công tập trung, về quản lý đất đai, quản lý vốn đầu tư, quản lý ngân sách, quản lý nhà công vụ, cơ chế đền bù khi thu hồi đất.

BẢO MINH - ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục