Né trừng phạt, Iran bán dầu cho tư nhân

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết, Tehran có kế hoạch bán 3 triệu thùng dầu thô cho các công ty tư nhân trong đợt bán hàng thứ 3 nhằm né tránh những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hành động này được cho là để bổ sung cho ngân sách nhà nước, tránh nguy cơ suy thoái kinh tế.
Nhà máy hóa dầu Maroun ở cảng Imam Khomeini, Iran
Nhà máy hóa dầu Maroun ở cảng Imam Khomeini, Iran

Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu chính 

Bộ trưởng Zangeneh cho biết, đã có giấy phép cho đợt bán dầu mới và thanh toán 100% bằng đồng rial của Iran hoặc ngoại tệ. Iran bắt đầu bán dầu cho các khách hàng tư nhân trên thị trường chứng khoán năng lượng lần đầu tiên vào tháng 10 vừa qua với 1 triệu thùng dầu. Đợt chào bán thứ 2 được thực hiện vào tháng 11 với 700.000 thùng dầu thô, sau khi các lệnh trừng phạt từ Washington được áp đặt. Theo Bộ Dầu mỏ Iran, 3 công ty tư nhân đã trả 64,97 USD/thùng cho 2 đợt giao hàng, mỗi đợt là 245.000 thùng và một đợt là 210.000 thùng.  

Chính phủ Iran dự định chào bán dầu trên thị trường chứng khoán năng lượng 1 lần/tuần. Người phát ngôn của Chính phủ Iran Mohammad Reza Nobakht tuyên bố, ngân sách nhà nước của năm tới ước đạt 21 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ, giảm 28% so với ngân sách của năm 2018. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, 33% thu nhập của Iran sẽ đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Hiện Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong số 8 nước và vùng lãnh thổ được hưởng quyền miễn trừ tạm thời của Mỹ, cùng với Ấn Độ, Hàn Quốc, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản và Đài Loan. 

Để giao dịch thuận lợi hơn trên thị trường năng lượng, Iran đã điều chỉnh giá dầu thô ở mức giá thấp cho một số thị trường truyền thống. Lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt với Iran đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước này, khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán rằng trong năm 2018 tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ này sẽ sụt giảm 1,5% và năm tới khoảng 3,5%. Trước khi có các quyết định của Mỹ, IMF từng lạc quan dự báo nền kinh tế Iran trong giai đoạn 2018 - 2019 sẽ tăng trưởng 4%/năm.

Giá dầu biến động cuối năm 

Theo dự báo của giới chuyên gia kinh tế, trong nửa đầu năm nay, sự dư thừa nguồn cung dầu sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá trong quý 1-2019, nhưng với việc các nhà sản xuất giảm sản lượng sẽ dần thúc đẩy giá dầu thô. Dự báo về giá dầu của năm 2019, Barclays cho rằng giá dầu thô Brent sẽ đạt mốc 72 USD/thùng, tương đương với dự báo của Merrill Lynch là 70 USD/thùng. Trong khi đó, dự báo của tập đoàn tài chính Citi cho rằng chỉ chạm mốc khoảng 60 USD/thùng. 

Ở phiên giao dịch trước năm mới 2019, giá dầu thế giới đã có biến động. Trong ngày 27-12, giá dầu Brent và giá dầu thô ngọt nhẹ lần lượt giảm 0,8% đến hơn 1%, chạm mức 43 USD/thùng và 53 USD/thùng.  Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 26-12, giá dầu đã tăng khoảng 8%, mức tăng mạnh nhất trong một ngày giao dịch kể từ tháng 11-2016, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm cắt giảm sản lượng. 

Đầu tháng này, OPEC và các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1,2 triệu thùng/ngày, sau khi giá dầu lao dốc tới 36% kể từ tháng 10 vừa qua do nguồn cung tăng mạnh và nhu cầu thế giới suy yếu. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cùng là Chủ tịch OPEC, ông Suhail al-Mazrouei, cho biết OPEC và các nhà sản xuất dầu sẵn sàng tổ chức một cuộc họp bất thường vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3-2019 tại Baku, Azerbaijan, nếu kế hoạch cắt giảm sản lượng kể trên chưa đủ nhiều để giúp cân bằng thị trường “vàng đen” trong năm sau.

Tin cùng chuyên mục