Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng 13-1, tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Không tùy tiện chi dùng kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế do bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, trình bày, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay rất khó để quy định về chế tài xử lý với người không tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Do đó, Thường trực Ủy ban thống nhất với việc kế thừa quy định của Luật hiện hành. Tuy nhiên, qua thảo luận, các ý kiến trong UBTVQH đều cho rằng nên quy định dứt khoát vào luật việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc toàn dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu: “Quan điểm sửa luật lần này khá thận trọng; nhưng tôi cho là nếu không có quy định đột phá thì không giải quyết được vấn đề, cả trước mắt lẫn lâu dài. Muốn cải thiện điều kiện khám chữa bệnh, “phủ” bảo hiểm y tế toàn dân mà không quy định bắt buộc thì không thể làm được. Tất nhiên, ngân sách nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ những đối tượng như người có công, quân nhân, hộ nghèo, hộ cận nghèo...”.
Mặc dù vậy, ông Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý thêm, khi soạn thảo văn bản hướng dẫn chính sách cần lưu ý quán triệt xu hướng hỗ trợ đúng đối tượng, vì ngay cả ở những vùng đặc biệt khó khăn hay khó khăn cũng không phải bất cứ người nào cũng cần nhà nước hỗ trợ. Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Ông Uông Chu Lưu bình luận: “Sửa luật lần này vẫn “từng bước” thì bao giờ mới bảo hiểm y tế toàn dân? Những đối tượng khó khăn thì đã có ngân sách nhà nước lo, những người có điều kiện đóng bảo hiểm thì phải thực hiện. Quỹ ngày càng cạn đi mà không bắt buộc đóng góp thì hoặc vỡ, hoặc chất lượng khám chữa bệnh rất kém”.
Liên quan đến việc quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ bảo hiểm y tế, đa số ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần hướng đến việc nộp toàn bộ số tiền kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế về trung ương để phân bổ sử dụng chung, bởi các tỉnh có tỷ lệ thu bảo hiểm cao cũng là các tỉnh được ngân sách trung ương chi trả cho các đối tượng được hỗ trợ lớn. Nay khoản tiền có nguồn gốc ngân sách này không được sử dụng đúng mục đích mà để lại một tỷ lệ lớn để địa phương chi dùng là không hợp lý.
Thẳng thắn cho rằng quy định dành ít nhất 50% phần kết dư quỹ bảo hiểm y tế cho địa phương là mang tính cục bộ, không hợp lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu: “Năm nay thừa; nhưng sang năm, sang năm nữa thiếu thì sao, nghĩ thế là hết sức địa phương chủ nghĩa, vì quỹ có tính chất liên tục, thống kê để biết chứ không phải để chia hết quỹ”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, đối với các đối tượng khó khăn, người nghèo, người có công, Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí khi tham gia bảo hiểm y tế. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu luật định nghiêm cấm sách nhiễu người dân, người bệnh có bảo hiểm y tế.
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu quy định theo hướng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế; quản lý thống nhất Quỹ bảo hiểm toàn dân và không có các khoản chi cho tuyên truyền, khen thưởng, mua sắm trang thiết bị…
Không nên có chế định ly thân
Cho ý kiến về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), có ý kiến đề nghị tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “đủ 18 tuổi trở lên” như dự thảo. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi kết hôn như luật hiện hành hoặc quy định độ tuổi “nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Đáng lưu ý, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định chế định ly thân trong luật vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam, dễ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn gia đình, ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em...
Về quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính, một số thành viên UBTVQH đề nghị quy định rõ ràng trong luật việc cho phép hay cấm hôn nhân đồng giới, không nên để lửng lơ “không cấm, không cho phép”.
Chiều cùng ngày, dự án luật Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được UBTVQH xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu tiếp thu, bổ sung 01 chương về quá cảnh gồm 03 điều; đồng thời bổ sung 09 điều khác; bỏ 01 điều và chỉnh sửa 40 điều trên tổng số 46 điều. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật trình UBTVQH lần này có 09 chương, 57 điều.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các ý kiến đặc biệt lưu ý đến vấn đề đăng ký, đăng kiểm và điều kiện hoạt động của phương tiện Giao thông đường thủy nội địa. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định theo hướng không mở rộng loại phương tiện được miễn đăng ký so với luật hiện hành, đồng thời giao Bộ GTVT bổ sung quy định giao UBND cấp xã tổ chức đăng ký các phương tiện này vào các văn bản dưới luật.
ANH THƯ