Nên cân bằng mức hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Ủy ban về các vấn đề xã hội đã có báo cáo trình bày quan điểm về Báo cáo số 121/BC-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cơ quan này đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm mức hỗ trợ để có sự tương đồng trong thực hiện chính sách đối với người lao động.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 8-4, Ủy ban về các vấn đề xã hội (CVĐXH) cũng đã có báo cáo trình bày quan điểm về Báo cáo số 121/BC-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cơ quan này đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm mức hỗ trợ để có sự tương đồng trong thực hiện chính sách đối với người lao động.

Cụ thể, đối với nhóm đối tượng là người lao động, Chính phủ đề xuất theo 2 mức 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng. Thường trực Uỷ ban CVĐXH cho rằng mức chênh lệch này khá lớn. Nếu phân chia các mức thì cần căn cứ vào tiêu chí xác định có quan hệ lao động (tham gia đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…) và không có quan hệ lao động (lao động tự do, lao động khu vực phi chính thức), chứ không phải căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…

Hơn nữa, trên thực tế, về cơ bản, người lao động tự do, người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp lại là những người lao động yếu thế, dễ bị tổn thương, thuộc một trong những nhóm bị tác động nặng nề nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 do mới tham gia thị trường lao động hoặc làm công việc giản đơn, có thu nhập không ổn định… Họ cũng rất cần được bảo đảm mức sống tối thiểu không khác gì nhóm người lao động có quan hệ lao động khác.

Do đó, đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về việc đề xuất mức hỗ trợ để có sự tương đồng trong thực hiện chính sách đối với người lao động, tương tự như giải pháp hỗ trợ như nhau đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Để bảo đảm tính tổng thể, Thường trực Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm đối với các nhóm đối tượng yếu thế khác nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu như các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi… để giúp họ ổn định cuộc sống, chống đỡ trong thời gian đại dịch còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đề xuất hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, Chính phủ còn đề xuất sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ đây là việc ngân sách Nhà nước vay từ Quỹ hay xin ứng trước và cụ thể hơn về phương án hoàn trả (chủ thể, thời hạn hoàn trả), nếu sử dụng ngay cho ngắn hạn mà không có phương án cho tình huống khó khăn hơn hiện nay sẽ gây khó khăn trong trường hợp đại dịch kéo dài.

Nếu Chính phủ trình Quốc hội “cho phép người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng” thì theo Thường trực Ủy ban, cần đặt trong tổng thể các quy định của Luật Việc làm và việc xử lý kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cần giải trình cụ thể hơn các phương án khác nhau khi đề xuất việc sử dụng nguồn từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tin cùng chuyên mục