Nên đầu tư tiếp dự án bờ hữu sông Sài Gòn

Trước khi có chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư các công trình chống ngập trên địa bàn TPHCM và một phần ở tỉnh Long An, TPHCM đã cho đầu tư 2 dự án quan trọng đi qua các tuyến kênh sông rạch ở vùng ven và ngoại ô nhằm mục đích chống úng, giải quyết môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng đất này.

Đó là dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam Rạch Tra - Bắc Rạch Tra và dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên triển khai từ giữa thập niên đầu thế kỷ 21. Sau vài năm thực hiện 2 dự án trên, cuối năm 2008 bổ sung nhiều tiểu dự án, trong đó có 10 cống kiểm soát triều nhằm tăng cường cho công tác chống ngập, chống úng đô thị. Trong 10 cống đó có 6 cống do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố làm chủ đầu tư và đến cuối năm 2011, Trung tâm bắt đầu cho đầu tư xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) để hỗ trợ thêm cho dự án cải thiện vệ sinh môi trường NL-TN đã hoàn thành giai đoạn 1 đang có tác dụng chống ngập cho 7 quận dọc theo kênh. Đến nay cống kiểm soát triều NL-TN tuy chưa hoàn tất 100% nhưng những hạng mục đã đầu tư bắt đầu phát huy tác dụng ngăn triều cho nhiều vùng đất của các quận, nhất là ở các phường giáp với kênh thuộc quận Bình Thạnh.

Cống Vàm Thuật, cống Rạch Nước Lên là 2 tiểu dự án thành phần của dự án giai đoạn 2 kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, đầu năm 2013 được thành phố chi vốn ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng với quyết tâm thực hiện xong 2 cống này cũng để chống ngập triệt để do triều ở hai đầu kênh Tham Lương nhưng do ngân sách có hạn, thành phố đã kiến nghị Chính phủ cho phép ứng vốn trị giá gần 800 tỷ đồng từ Quỹ biến đổi khí hậu để tiếp tục thi công hai cống này kịp trong năm 2014. Theo chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình TP, do tính cấp bách của 2 tiểu dự án, đến nay Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chấp thuận đề xuất của thành phố giao cho các bộ ngành phối hợp với thành phố lập thủ tục nhận vốn theo quy định chuẩn bị đầu tư 2 cống này. Còn các cống kiểm soát triều khác, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cũng đang chuẩn bị mọi thứ cần thiết để khi có nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) theo thỏa thuận trước đây, sẽ thực hiện như cống NL-TN.

Với vốn tài trợ của WB cho chương trình chống ngập thành phố, trong đó có dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên giai đoạn 2 nếu cũng được cấp vốn sớm với 7 tiểu dự án thành phần, gồm cả 2 nhà máy xử lý nước thải với công nghệ xử lý hiện đại sẽ kết thúc toàn bộ dự án trong thời gian sớm nhất. Tới thời điểm đó, vùng ngoại ô gồm 8 quận có dự án đi qua sẽ hưởng lợi nhiều nhất, không còn bị ngập úng, ngập nước, môi trường kênh rạch sạch sẽ, đường đê trở thành đường giao thông tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa cho vùng đất rộng 14.900ha. Dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam Rạch Tra - Bắc Rạch Tra cũng vậy, sau 4 năm đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều cống điều tiết nước và các tuyến đê dọc sông Sài Gòn và nội đồng có tác dụng chống ngập hiệu quả. Người dân ở những vùng đất ngoại ô hiện nay không còn sợ bị ngập nước thường xuyên như trước và các khu dân cư dọc theo các con kênh nội đồng, sông Sài Gòn hình thành, tạo bộ mặt mới cho đô thị.

Giống như dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, dự án giai đoạn 1 bờ hữu ven sông Sài Gòn hiện còn một số việc phải tiếp tục hoàn thiện nhưng nếu được cho phép đầu tư tiếp giai đoạn 2, xây dựng tuyến đê dọc sông Sài Gòn Nam Rạch Tra dài 17km và Bắc Rạch Tra dài 4,2km trở thành đường giao thông kiên cố, cao hơn so quy hoạch thì có thể đối phó trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng sau này, dù trong những đợt triều cường trong tháng 9 âm lịch vừa qua và trong tháng 10 âm lịch hiện nay có lúc đỉnh triều lên tới 1,68m, ở đây vẫn không bị ngập nước.

Thiết nghĩ đối với 2 dự án quan trọng trên cần thiết phải đầu tư tiếp để không gây lãng phí tiền vốn đầu tư trước đây và một khi có các cống kiểm soát triều được xây dựng đồng bộ với việc nâng cao tuyến đê bao giao thông, chắc chắn vùng đất ngoại ô dự án đi qua sẽ an toàn trước tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai.

NGỌC XUÂN

Tin cùng chuyên mục