Nên hạn chế xe cá nhân có điều kiện

Dư luận gần đây quan tâm đến chủ trương của Bộ Giao thông – Vận tải là hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân (GTCN), để góp phần giảm áp lực cho hệ thống đường sá, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đây là một chủ trương có mục đích tốt và không phải lần đầu tiên được đề cập.

Chỉ riêng ở Hà Nội, trung bình mỗi tháng, có thêm 4.000 ô tô, hơn 20.000 xe máy, trong khi hạ tầng giao thông phát triển không tương xứng, dẫn đến quá tải, gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên tính khả thi của biện pháp này hiện vẫn có nhiều điều nghi ngờ. Chẳng hạn:

- Thói quen sử dụng phương tiện GTCN của người dân đã ăn sâu, khó có thể thay đổi trong một thời gian ngắn.

- Hiệu quả kinh tế và sự tiện lợi của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng chưa thể hiện rõ.

- Hệ thống phương tiện vận tải công cộng còn ít và lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

- Nhu cầu về phương tiện GTCN ở nông thôn còn rất lớn, không chỉ để giải quyết nhu cầu đi lại mà còn tham gia vận chuyển hàng hóa, nhất là nông sản...

Vì vậy, để hạn chế phương tiện GTCN nên bắt đầu từ việc tuyên truyền, động viên rồi tăng cường sự lựa chọn cho người dân và sau cùng mới dùng biện pháp hành chính. Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền những ưu điểm của giao thông công cộng (một cách thực chất, thuyết phục, đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng hiện có), nêu rõ những hạn chế của GTCN để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Trong quá trình đó, cần tăng cường các loại hình vận tải công cộng, ngoài xe buýt cần từng bước có thêm xe điện, xe điện ngầm, xe lửa nội thị... Cuối cùng, khi hai biện pháp trên đã có những kết quả căn cơ thì mới dùng biện pháp hành chính.

Đối với các giải pháp cụ thể, cần thiết thực hiện việc hạn chế xe cá nhân có điều kiện, chứ không xem đây là một giải pháp tiến hành một cách rộng khắp, toàn diện. Cụ thể là:

Thứ nhất, thực hiện thí điểm ở một số địa phương. Trên cơ sở rút kinh nghiệm kết quả thực hiện cụ thể có thể góp phần hoàn chỉnh hành lang pháp lý và đưa ra những giải pháp thiết thực, khả thi hơn để áp dụng cho các địa phương khác. Chẳng hạn, nên tiến hành ở các đô thị lớn với quy mô và áp lực giao thông lớn để giải quyết kịp thời những bức xúc và đến khi có kết quả cụ thể thì tình hình giao thông có thể trở thành áp lực ở một số đô thị khác và từ đó có thể đem kinh nghiệm đã có để áp dụng ở những nơi này.

Thứ hai, có lộ trình cụ thể. Vì liên quan đến nhiều vấn đề như công tác tuyên truyền, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, xây dựng hệ thống pháp lý… nên cần thiết có lộ trình cụ thể. Chẳng hạn, giai đoạn nào cần tập trung nâng cao nhận thức người dân, giai đoạn nào cần tăng tốc xây dựng hệ thống vận tải công cộng, giai đoạn nào cần áp dụng biện pháp hành chính… Cần có sự “gối đầu” ở mỗi giai đoạn, tức là có sự nối tiếp, kế thừa nhau chứ không “đứt đoạn”.

Thứ ba, áp dụng với một số đối tượng cụ thể. Những đối tượng nào có ảnh hưởng xã hội tiêu cực hơn thì cần áp dụng trước. Chẳng hạn, có thể thực hiện việc hạn chế ngay đối với các loại xe cá nhân quá hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn giao thông…

Trúc Giang (quận 3)

Tin cùng chuyên mục