Nếp nhà và những hạt mầm nhân ái

Hồi mới lấy chồng và phải răm rắp theo “lập trình” vào những ngày lễ, chủ nhật bắt buộc phải về nhà mẹ chồng tụ tập ăn uống, tôi cảm thấy hơi bực mình. Nhưng rồi những buổi họp mặt ấm cúng, thân mật giữa các thành viên là anh, chị, em ruột thịt, các cháu và cha mẹ chồng trở thành sợi dây gắn kết ngày một chặt hơn.
Nếp nhà và những hạt mầm nhân ái

Hồi mới lấy chồng và phải răm rắp theo “lập trình” vào những ngày lễ, chủ nhật bắt buộc phải về nhà mẹ chồng tụ tập ăn uống, tôi cảm thấy hơi bực mình. Nhưng rồi những buổi họp mặt ấm cúng, thân mật giữa các thành viên là anh, chị, em ruột thịt, các cháu và cha mẹ chồng trở thành sợi dây gắn kết ngày một chặt hơn.

Thời hiện đại, mỗi gia đình chỉ có một đến hai con nên bọn trẻ con chú, con bác, con cô cứ quấn quít lấy nhau như hình với bóng. Chơi cả ngày với nhau nhưng đến giờ chia tay là chúng lại nước mắt ngắn dài, đòi ở lại nhà ông bà nội, ngoại. Mẹ chồng tôi là người rất tâm lý và luôn hết lòng vì con cháu. Niềm vui của bà là được nhìn thấy con cháu sum vầy, đoàn kết. Bà thường dạy các con từ ruột đến dâu, rể phải biết yêu thương chia sẻ và ai khá hơn thì đừng quên người nghèo khó hơn. Để mẹ chủ động đi chợ, làm tiệc thiết đãi đón con cháu về cuối tuần, mỗi gia đình đều có nghĩa vụ đóng góp ngân quỹ gia đình, và không đưa ra mức góp cao hay thấp, ai khấm khá hơn thì đóng nhiều hơn, chẳng hề có sự so bì hơn thiệt. Điều này duy trì đến tận hôm nay và chúng tôi đều cảm thấy giá trị tiền bạc luôn nhỏ hơn tình thân huynh đệ, ruột thịt.

Mẹ chồng tôi luôn biết ý từng đứa con, đứa cháu nội ngoại thích ẩm thực gì và khéo léo lên thực đơn rất chuẩn, có món chung ai cũng ăn được và có thêm một hai món riêng dành cho con, cháu nào ưa thích. Biết con cái bận rộn, đi làm cả tuần cực nhọc nên mẹ luôn dành phần cực, đi chợ, đứng bếp nấu những món ăn ngon cho 4 gia đình nhỏ mà chẳng hề trách móc đứa nào. Có những món ăn phải nấu công phu, mẹ làm sẵn từ một, hai ngày trước để trong tủ lạnh. Sự bao dung, chịu thương chịu khó của mẹ chồng khiến chúng tôi cảm phục và yêu thương nhiều hơn. Là bóng cổ thụ tỏa bóng mát cho cuộc đời các con, các cháu, mẹ và ba chồng chúng tôi sống mẫu mực, dành hết tình yêu thương cho gia đình. Trong khi mẹ chồng phụ các con dâu, con gái nấu ăn trong bếp thì cha chồng tôi tập hợp các cháu kể những câu chuyện xưa hấp dẫn cho bọn nhỏ. Sau bữa ăn thân mật, ấm cúng, hội phụ nữ quay quần “tám chuyện” vui, còn mấy anh em trai và cha  thì bàn chuyện thời cuộc, làm ăn. Lũ trẻ được tự do, thỏa thích vui chơi trong không gian riêng ở trên lầu.
Theo thời gian, nếp nhà chồng tôi ngày một bền vững và trở thành cái nôi gắn kết vui buồn, chia sẻ yêu thương, gửi gắm những điều quý giá nhất trong cuộc sống đầy bon chen, xô bồ thời @. Để khuyến khích các cháu học giỏi, chăm ngoan, ông bà thường có phần quà đại diện gia đình trao vào dịp cuối học kỳ hoặc hết năm học. Cháu nào vào đại học hay du học thì phần quà có giá trị hơn và được tổ chức trao long trọng hơn.

Đã 6 năm kể từ ngày ba mẹ tôi qua đời, gia đình nhà chồng vẫn giữ nguyên truyền thống họp mặt vào dịp cuối tháng và lễ, Tết. Thay vì làm cố định ở nhà từ đường, chúng tôi thay nhau đứng ra tổ chức họp mặt vì không có thời gian rảnh rỗi. Để giảm bớt áp lực cho chủ nhà, mỗi gia đình mang đến một món góp vui hoặc mua đồ đến nấu. Đã thành quy ước bất thành văn, ngày họp mặt dù bận mấy, người lớn lẫn con cháu cũng không được vắng mặt. Chỉ vắng một người là chúng tôi thấy thiếu vắng điều gì đó.

Ảnh minh họa

Không còn cha mẹ, không còn bóng cổ thụ tỏa bóng mát yêu thương vô bờ bến như trước nhưng chúng tôi luôn cảm thấy có cha mẹ bên cạnh. Nhờ cha mẹ gầy dựng nếp nhà bền vững, kết nối sợi dây yêu thương và nuôi dưỡng giá trị sống tốt đẹp, coi trọng nghĩa tình hơn tiền bạc, chúng tôi cảm thấy cuộc sống thật có ý nghĩa. Tuy không sống cùng nhau nhưng chúng tôi luôn là một đại gia đình đoàn kết, sống với nhau chân tình, chia sẻ với nhau những gì quý giá nhất mà không hề toan tính, so bì. Rồi những đứa cháu lớn vào đại học là cứ bay dần du học. Chỉ còn lại mấy người lớn ở tuổi U50-60 nhưng chúng tôi bớt cô đơn, bớt buồn nhớ con vì vẫn tụ tập bên nhau, vẫn thường du lịch cùng nhau. Sống là gắn kết, sẻ chia yêu thương, bỏ qua hiềm khích, so bì, bắt lỗi… thật không dễ. Và muốn tạo dựng được nếp nhà bền vững thì người lớn, cha mẹ phải biết gieo những hạt mầm yêu thương, nhân ái, trọng nghĩa trọng tình như gia đình chồng tôi đã gầy dựng qua nhiều thế hệ.*

DIỆU HÀ

Tin cùng chuyên mục