Nếu đồng lòng...

Trong bối cảnh giá dầu thế giới đang nóng lên từng ngày, nhiều người đã e ngại nguy cơ về cuộc khủng hoảng dầu lửa có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Thay vì bình thản để mặc dư luận hoang mang, một số quốc gia, tổ chức đã chủ động hạn chế sự phụ thuộc vào mặt hàng đặc biệt này thông qua những biện pháp cụ thể. Trên hết, đó là sự điều chỉnh chính sách trên phạm vi rộng lớn, quy mô toàn diện hơn.

Trước tiên phải kể đến Tây Ban Nha. Hồi cuối tuần qua, Chính phủ nước này cho biết sẽ hạ tốc độ lưu thông tối đa cho phép đối với một loạt phương tiện nhằm mục đích giảm lượng nhiên liệu hao tốn. Cụ thể, tốc độ tối đa cho các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc giảm từ 120km/giờ xuống còn 110km/giờ. Phó Thủ tướng Pérez Rubalcaba cho rằng, đây là một trong những biện pháp vừa giúp giảm lượng nhiên liệu sử dụng, vừa tạo được hiệu ứng tích cực tác động lên ý thức người tiêu dùng. Nếu quy định mới này được thực hiện nghiêm túc, Tây Ban Nha sẽ giảm được 15% lượng nhiên liệu đang sử dụng hiện nay.

Tây Ban Nha chỉ là một trong những nước có bước đi thiết thực nhằm khắc phục của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội hiện nay. Mở rộng ra các vấn đề toàn cầu, hầu hết các quốc gia đang phải gồng mình để bảo vệ người dân trước những tổn thương nghiêm trọng do sự phát triển không bền vững, cũng như phải gánh chịu hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Cũng vì chiến lược lâu dài, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) vừa đưa ra bản báo cáo trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil vào năm 2012. Mục tiêu chính xuyên suốt báo cáo không gì khác ngoài “Kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững”.

Báo cáo được tổng hợp dựa trên những nghiên cứu của các chuyên gia về môi trường và kinh tế của LHQ đã chỉ ra từ nay đến năm 2050, để tạo nên nền kinh tế xanh phù hợp với tình trạng môi trường hiện nay, cần đầu tư 1.300 tỷ USD/năm vào 10 nhóm ngành chủ lực: nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, lâm nghiệp, du lịch, nước, quản lý chất thải, sản xuất, vận chuyển và năng lượng. Đây cũng là điều mà nhà kinh tế người Anh Nicholas Stern nhiều lần trình bày tại các diễn đàn và hội nghị về môi trường của LHQ. Ông cho rằng, thay vì đầu tư vào “sửa chữa môi trường”, cần tập trung vào việc giải quyết cơ bản hơn, đó là chuyển đổi đồng loạt các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm sang các ngành công nghiệp sạch. Song song đó, để tạo áp lực cho quá trình này, các chính phủ phải đánh thuế thật nặng vào những ngành sản xuất thải ra quá nhiều khí nhà kính. Đi kèm đó là mức bồi thường và hỗ trợ thích hợp từ chính phủ để chia sẻ cùng các doanh nghiệp.

Sau một thời gian dài, trải qua nhiều hội nghị khu vực và quốc tế, nhiều quốc gia dường như không tìm được tiếng nói chung trong đấu tranh cùng phát triển bền vững. Trong khi đó, thực tế cho thấy trách nhiệm không của riêng ai, từ chính phủ, các tổ chức, nhà sản xuất hay người tiêu dùng… Cùng đồng lòng, tất cả sẽ có thể hạn chế được cách nhìn nhận thiển cận. Thay vì chỉ hô hào, cảnh báo, tiếng nói chung sẽ giúp cân bằng giữa môi trường và kinh tế, giúp thế giới phát triển “xanh” hơn, thông minh hơn, giảm đói nghèo nhanh hơn, tiến bộ hơn.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục