Nếu không phải là đối tác tốt

Ngày 12-5, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai gặp người đồng cấp ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Karzai lên nắm chính quyền sau cuộc bầu cử năm 2009 gây nhiều tranh cãi ở quốc gia Trung Á này.

Trong khi các nguồn tin chính thức loan báo nội dung đặt lên bàn nghị sự lần này tại Washington xoay quanh cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, tương lai Afghanistan thời hậu chiến, kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan…. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thực chất chuyến công du 4 ngày của ông Karzai cùng hơn 10 thành viên nội các là một bước đi quyết định nhằm giúp Washington đánh giá lại đối tác chiến lược của mình cũng như cơ hội để ông Karzai “sửa chữa” sai lầm của mình trong quan hệ với Washington.

Mâu thuẫn giữa ông Karzai và chính quyền Washington ngày càng sâu sắc. Chính quyền Mỹ chỉ trích ông Karzai yếu kém trong việc quản lý đất nước, để tham nhũng tràn lan, buôn bán ma túy gia tăng, gian lận bầu cử… Trong khi đó, với bài phát biểu “gây khó chịu” cho Washington trên truyền hình quốc gia hồi đầu tháng 4, nhà lãnh đạo Afghanistan chỉ trích phương Tây đã tìm cách loại bỏ chính quyền của ông một cách trái phép bằng cách tạo xì-căng-đan gian lận bầu cử để đổ tội cho ông. Ông cũng không ngừng phê phán các chiến dịch quân sự của Mỹ đã làm thiệt mạng nhiều dân thường Afghanistan. Và cũng đã có lần dọa bắt tay với Taliban nếu Mỹ không chấm dứt các chiến dịch không kích làm chết người vô tội.

Tuy nhiên, lúc này vị thế “trên đe, dưới búa” của người đứng đầu chính phủ Afghanistan ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết. Ông Karzai phải đối mặt với hai áp lực, từ dư luận trong nước và từ nhà “bảo trợ” Washington. Trong nước yêu cầu ông phải có hành động thích đáng trước những thương vong của người dân nước này trong các vụ không kích của quân đội Mỹ, trong khi Washington lại gây áp lực lên vấn đề tham nhũng, quản trị yếu kém và bạo lực.

Việc ông Karzai bất lực trước sự gia tăng các chiến dịch quân sự của phương Tây khiến nhiều thường dân chết oan đã tạo điều kiện cho Taliban có thể trở thành một “lực lượng kháng chiến quốc gia chính thống”.

Thực chất, cuộc khủng hoảng trong quan hệ của Tổng thống Afghanistan với phương Tây (đặc biệt là với Mỹ) đã lên đến đỉnh điểm từ trước khi diễn ra bầu cử QH vào tháng 9 năm ngoái. Những cuộc đối thoại giữa hai bên đã diễn ra từ đó tới nay không đạt được bất cứ kết quả nào. Báo chí Mỹ miêu tả rằng hễ gặp nhau hai bên bắt đầu chỉ trích lẫn nhau. Đến khi ông H. Karzai đưa ra phát biểu trên truyền hình thì người Mỹ càng ngộ ra rằng họ không lựa chọn được một “đối tác tốt nhất” tại mặt trận Trung Á.

Nếu chú ý đến báo chí Mỹ mấy ngày qua sẽ thấy rõ dụng ý rõ ràng của người Mỹ. Báo Washington Post số ra ngày 9-5 đưa tin Nhà Trắng khẳng định sẽ xem xét lại quan hệ với Kabul nếu chuyến công du 4 ngày của ông Karzai thật sự đầy thiện chí. Báo USA Today ngày 12-5 còn ám chỉ đến ý định “thay ngựa giữa dòng” mà ông Karzai đã đề cập trong phát biểu “gây sốc” hồi tháng 4. Bài báo với nhan đề “Thông điệp gửi tới Tổng thống Afghanistan: Bạn không phải là không thay thế được”.  Cảnh báo của truyền thông Mỹ không phải không có cơ sở, khi nhân vật quyền lực nhất Nhà Trắng từng tuyên bố: “Chúng ta ở đây (Afghanistan) không chỉ để bảo vệ một người”.

Xuân Hạnh

Tin cùng chuyên mục