Chính phủ lâm thời Ukraine ngày 24-2 đã ra lệnh truy nã khẩn cấp đối với Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych. Ông Yanukovych cùng nhiều quan chức khác sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự về tội giết người hàng loạt đối với những người biểu tình ôn hòa trong cuộc biểu tình đẫm máu cuối tuần qua. Ngày 24-2, khoảng 10.000 người đã biểu tình tại thành phố cảng Sevastopol lên án cuộc chính biến ở thủ đô Kiev. Bước đi nào để vực dậy một Ukraine đang chìm sâu trong nợ công chiếm đến 180% GDP?
Cần đoàn kết dân tộc
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết, bộ này đã mở vụ án điều tra ông Yanukovych và một số quan chức khác về cáo buộc trên. Ông Arsen Avakov tiết lộ, đã có nguồn tin khẳng định rằng ông Yanukovych ở khu vực Balaklava trên bán đảo Crimea ngày 23-2. Trước khi rời Balaklava, ông Yanukovych đã cho giải tán nhóm cảnh vệ của mình.
Chưa bao giờ Ukraine lâm vào tình trạng chia cắt như hiện nay. Tuy nhiên, không một quốc gia nào từ Mỹ, châu Âu hay Nga mong muốn sự chia cắt đất nước vì nếu xảy ra điều đó sẽ ảnh hưởng đến những lợi ích kinh tế, chính trị của các quốc gia trên. Tại Kharkov, các đại biểu địa phương thân Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych cho rằng việc Quốc hội biểu quyết quay lại bản Hiến pháp năm 2004, đặt vào tay Quốc hội nhiều quyền hành hơn là vi hiến. Việc này ít ra phải được Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych thông qua mới đúng trình tự.
Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, người vừa được trả tự do sau khi ngồi tù vì liên quan đến các cáo buộc tham nhũng được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 25-5 tới. Ngay sau khi ra tù, bà Tymoshenko đã tuyên bố Ukraine sẽ sớm khởi động lộ trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Hiện nay, người dân vẫn tập trung tại Quảng trường Độc lập để tưởng niệm những nạn nhân bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Họ nói rằng điều mong muốn nhất lúc này là một Ukraine đoàn kết.
Thái độ của các quốc gia
Theo Interfax, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov ngày 24-2 đã điện đàm với NATO, Tướng không quân Mỹ Philip Breedlove về tình hình tại Ukraine. Hai bên đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, nước này đặc biệt nghi ngờ về tính hợp pháp của giới chức cầm quyền ở Ukraine sau khi ông Yanukovych bị lật đổ. Ông Medvedev cho rằng việc một số quốc gia công nhận chính phủ lâm thời này là sai lầm.
Ủy ban châu Âu ngày 24-2 cho biết, chỉ sau khi diễn ra các cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, thỏa thuận giữa EU và Ukraine mới có thể được ký kết. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski thì xác nhận hiện có một khoản viện trợ kinh tế vĩ mô dành cho Ukraine ngay sau khi Kiev hoàn tất thỏa thuận với IMF. Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cảnh báo Ukraine rằng Nga sẽ nâng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nước này nếu Ukraine ký thỏa thuận đối tác với EU.
Theo AP, Nga vẫn có vai trò quan trọng trong chặng đường sắp tới của Ukraine. Cuối tháng 12-2013, Nga đã hứa viện trợ cho Ukraine 15 tỷ USD, đồng thời giảm giá khí đốt bán cho Ukraine. Đến nay, chỉ có 3 tỷ USD được giao, số tiền còn lại hiện đang bị tạm ngưng chuyển giao do những bất ổn của Ukraine. Trong khi đó, việc hạ giá khí đốt dự kiến sẽ được xem xét lại mỗi 3 tháng. Tổng thống Nga Putin từng nhiều lần tuyên bố không chấp nhận việc Đông tiến của NATO.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ giữ thái độ khá chừng mực trước Ukraine. Tuy nhiên, trước đó Mỹ đã đưa ra biện pháp chế tài với khoảng 20 nhân vật cấp cao trong Chính phủ Ukraine. Ngoài ra, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Sydney (Australia), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew ngày 24-2 đã hối thúc Ukraine sớm yêu cầu nhận hỗ trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để tái thiết kinh tế Ukraine. Ông Jack Lew nhấn mạnh, Mỹ cùng châu Âu và cộng đồng quốc tế đã sẵn sàng chung tay.
Ngày 23-2, Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, khẳng định IMF sẽ giúp đỡ Ukraine nếu quốc gia này đề nghị. Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Ba Lan đã có mặt ở Ukraine xúc tiến tổ chức những cuộc họp để chính quyền và phe đối lập thương lượng. Theo Reuters, mục đích chính của EU là đưa hiệp định thương mại hợp tác giữa EU và Ukraine vào chương trình nghị sự. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã sắp xếp một cuộc hẹn với bà Tymoshenko, người mà Berlin xem là nhân vật đối thoại hàng đầu.
Ukraine đang đứng trước thời khắc lịch sử mang tính quyết định. Việc lựa chọn dứt khoát hẳn một bên để tập trung xây dựng chiến lược hợp tác là điều quá khó khăn với quốc gia này.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)
- Ông Viktor Yanukovych bị truy nã