Nga hướng về phía Đông

Nga hướng về phía Đông

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5-6 đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày. Chuyến thăm được báo chí quốc tế đánh giá nhằm chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Nga sang hướng Đông. Dự kiến 2 bên sẽ ký kết 17 thỏa thuận hợp tác.

  • Kiểu mẫu của hợp tác

Đây là chuyến thăm châu Á đầu tiên sau khi ông Putin trở lại điện Kremlin. Quan hệ Nga - Trung Quốc trong thời gian gần đây trở nên nồng ấm hơn khi hai nước có quan điểm gần nhau trước nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt cả hai liên tục phủ quyết các nghị quyết tăng cường trừng phạt hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa tuyên bố: “Chúng tôi xem sự hợp tác về chính sách ngoại giao ở mọi cấp độ giữa Nga và Trung Quốc là hình mẫu thành công về hợp tác giữa các đối tác”.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin còn đáng chú ý hơn vì nó diễn ra sau khi Tổng thống Putin hủy chuyến thăm Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh G8. Ông Putin khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc là nhân tố quan trọng góp phần củng cố sự ổn định quốc tế và khu vực.

Theo ông, Nga và Trung Quốc có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế, dựa trên nguyên tắc có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích lẫn nhau. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng hai nước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chuyển sang thanh toán thương mại song phương bằng đồng nội tệ (đồng rúp và đồng nhân dân tệ). Đây sẽ là bước tiến vững chắc góp phần tăng cường quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước. Hai bên quyết tâm nâng kim ngạch trao đổi hàng hóa ở mức 83,5 tỷ USD năm ngoái lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.

  • Chuyển trọng tâm

Kể từ khi Nga được chọn là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 9-2012, Nga đã đổ nhiều tiền vào vùng Viễn Đông. Hãng tin Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Dmitry Trenin thuộc Trung tâm Carnegie ở Mátxcơva cho rằng vai trò của khu vực Thái Bình Dương của Nga giờ đây tương đương như Biển Baltic hồi thế kỷ thứ 18. Sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga cũng sẽ gặp riêng các tổng thống Iran và Afghanistan đang thăm Trung Quốc. Ông cũng sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Hiện Nga xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới trong khi Trung Quốc tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Vì vậy, Nga đang trông đợi hai bên sẽ sớm hoàn tất một thỏa thuận về khí đốt sau nhiều năm đàm phán. Ngoài ra, hai bên còn đang xúc tiến dự án hợp tác chế tạo máy bay đường dài cũng như lập quỹ hỗ trợ đầu tư chung. Trong nội các Nga vừa thành lập, lần đầu tiên có Bộ trưởng phụ trách phát triển vùng Viễn Đông. Nga cũng có nhiều chính sách khuyến khích dân chúng, trong đó có cấp tiền và tạo công ăn việc làm, để họ tới vùng Viễn Đông sinh sống giúp phát triển vùng này. Mới đây nhất 400 gia đình từ nhiều vùng trên cả nước Nga đã được đưa đến vùng Viễn Đông.

Ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc với Nga thấy rõ nhất khi nhiều hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập các địa phương Nga, đặc biệt là các khu vực giáp ranh giữa Nga và Trung Quốc. Người Nga tại khu vực này cũng thường sang Trung Quốc mua sắm quần áo và đồ dùng. Bên cạnh đó, vùng lãnh thổ phía Đông của Nga cũng còn nhiều tiềm năng lớn về trữ lượng tài nguyên thiên nhiên mà các công ty Trung Quốc đang rất muốn tìm đến. 

KHÁNH MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục