Nga - Mỹ lại đấu khẩu

Ngày 25-2, các nhà hoạt động nhân quyền và Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho biết hơn 500 thường dân đã thiệt mạng trong một tuần giao tranh khốc liệt tại khu vực Đông Ghouta gần thủ đô Damascus của Syria.
Cùng ngày, sau các lần trì hoãn, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết ngừng bắn 30 ngày tại Syria. Tuy nhiên, cả Nga và Mỹ đều lớn tiếng công kích nhau vì các điểm của nghị quyết này.
Nga - Mỹ lại đấu khẩu ảnh 1 Xác tên lửa phiến quân bắn vào trung tâm Đông Ghouta, Syria. Ảnh: Reuters
Căng thẳng tới phút chót Nghị quyết của HĐBA LHQ yêu cầu lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria để cho phép hoạt động vận chuyển hàng nhân đạo và sơ tán y tế ở khu vực Đông Ghouta của Syria. Nghị quyết cũng yêu cầu phải chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria, để cho phép các hoạt đông vận chuyển an toàn và đều đặn hàng viện trợ và sơ tán những người ốm và bị thương.  Để nhận được sự tán thành của Nga, nghị quyết mới được thông qua này có một số điều chỉnh so với dự thảo ban đầu. Đơn cử như chi tiết lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực 72 giờ sau khi dự thảo được thông qua, được thay bằng cụm từ “không trì hoãn”, và từ “ngay lập tức” cũng được đưa vào đoạn nói về hoạt động vận chuyển và sơ tán y tế.  Một thay đổi khác theo yêu cầu của Nga là nghị quyết nêu rõ lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay al-Qaeda, cùng với các “cá nhân, tổ chức và thực thể” có liên quan với các tổ chức khủng bố. Điều này sẽ cho phép Chính phủ Syria tiếp tục tấn công những phần tử thánh chiến có quan hệ với al-Qaeda ở Idlib - tỉnh cuối cùng ở Syria còn nằm ngoài sự kiểm soát của Damascus.  Nghị quyết này do Thụy Điển và Kuwait, nước đang là Chủ tịch luân phiên HĐBA  LHQ, soạn thảo và đề xuất ngày 9-2. Để thông qua được nghị quyết này, HĐBA LHQ đã phải tiến hành nhiều cuộc đàm phán căng thẳng trong phòng họp kín. Cuộc bỏ phiếu ban đầu được dự kiến đêm 23-2 (giờ Việt Nam), sau đó bị đẩy lùi 2 giờ và cuối cùng đã được quyết định lùi tới rạng sáng 25-2. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này bị tiến hành chậm hơn dự kiến 2 giờ do các cuộc đàm phán căng thẳng bị kéo dài tới tận phút chót. Do chưa đồng thuận?  Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia kêu gọi Mỹ chấm dứt những hành động “chiếm đóng” ở Syria để Damascus có thể đánh bại lực lượng khủng bố, mang lại hòa bình cho người dân. Đại sứ Nga cũng nhấn mạnh rằng Nghị quyết 2401 không nên can thiệp vào nội bộ các vấn đề Syria một cách quá tự do: “Tôi đặc biệt bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với tuyên bố công khai của một số quan chức Mỹ, những người đã đe dọa tới chủ quyền lãnh thổ của Syria. Chúng tôi ngay lập tức cảnh báo rằng Nga sẽ không cho phép bất kỳ sự can thiệp độc đoán nào nhằm vào giải pháp vừa được thông qua”. Ông V.Nebenzia tuyên bố Nga sẽ phối hợp với các bên tham chiến tại Syria nhằm đảm bảo việc áp dụng tức thì một lệnh ngừng bắn trên toàn Syria, nhưng cũng đòi hỏi các bên đối lập trong cuộc xung đột cần phối hợp và đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết, Washington “hết sức hoài nghi” việc chính quyền Damascus sẽ tuân thủ nghị quyết mới của HĐBA LHQ. Phát biểu sau khi nghị quyết được thông qua, bà N.Haley nói: “Chúng tôi vô cùng hoài nghi rằng chính quyền (của Tổng thống Bashar al-Assad) sẽ tuân thủ. Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ nghị quyết này vì chúng tôi không đòi hỏi gì hơn thế”. Liên quân chống khủng bố quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Syria đang hoạt động ở quốc gia này mà không được sự cho phép của LHQ hay sự đồng ý của chính quyền Syria. Đại diện thường trực của Syria tại LHQ Bashar Jaaafari nói với HĐBA LHQ trước đó rằng liên quân do Washington dẫn đầu đã cố ý phá hủy 90% diện tích của thị trấn Raqqa, Syria.

Tin cùng chuyên mục