Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh thành lập Ban chống tham nhũng trực thuộc Văn phòng tổng thống. Đây là một bước đi mới trong hoạt động chống tham nhũng tại Nga nhằm răn đe các quan chức thích nhận “tiền bẩn”.
Việc kiên quyết xóa bỏ nạn tham nhũng đã được Tổng thống Putin tiến hành qua nhiều hoạt động trong năm 2012, thời điểm ông trở lại điện Kremlin. Đầu tiên là sắc lệnh yêu cầu các quan chức phải công bố những khoản chi tiêu và đầu tư của mình, đồng thời họ cũng phải đóng các tài khoản cá nhân ở nước ngoài, hoặc bán cổ phần ở nước ngoài (nếu có). Sau đó là việc tăng cường giám sát tại các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc chính phủ, phát hiện hàng loạt sai phạm từ những quan chức cấp cao.
Theo Russia Today, vụ “trảm tướng” mới nhất diễn ra vào ngày 3-12. Cựu Bộ trưởng quốc phòng, ông Anatoly Serdyukov, bị cáo buộc khinh suất vì sử dụng binh sĩ để tân trang lại một dinh thự nghỉ dưỡng trên một hòn đảo ở khu vực Astrakhan và xây một con đường tới đó. Chi phí xây dựng là 56 triệu ruble (1,6 triệu USD), trích từ quỹ công. Nếu bị kết tội, ông Serdyukov có thể bị lãnh bản án lao động thời hạn 1 năm hoặc bị bắt giam 3 tháng.
Một số vụ việc khác đã được đưa ra ánh sáng như vụ cựu Thống đốc khu vực Tula, Vyacheslav Dudka bị phạt 9 năm tù vì nhận hối lộ tới 1,2 triệu USD. Hay vụ bắt giữ thị trưởng Mikhail Stolyarov của TP Astrakhan vì nhận hối lộ 300.000 USD.
Theo Trưởng công tố viên Nga Yuri Chaika, chỉ tính riêng những thiệt hại do các vụ án tham nhũng gây ra trong năm 2012, ngân sách nhà nước thất thoát khoảng 690 triệu USD. Cũng trong năm 2012, các nhà chức trách Nga đã truy tố 889 cán bộ công chức, trong đó có các thị trưởng thành phố, 114 nhà lập pháp các cấp và 1.159 quan chức thực thi pháp luật về các cáo buộc tham nhũng.
Việc tăng cường chống tham nhũng tại Nga được cho là xuất phát từ việc Chính phủ Nga lo ngại tham nhũng làm xói mòn môi trường đầu tư tại Nga, khiến hình ảnh quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại những diễn đàn kinh tế tổ chức ở Nga gần đây, nhiều nhà đầu tư đã nêu rõ do chi phí “bôi trơn” các hợp đồng cao nên ít nhiều làm nản lòng những ai muốn tăng cường đầu tư ở quốc gia này.
Tham nhũng gần như là một lối sống, một quy tắc ứng xử trong xã hội Nga xuất hiện trong thời gian gần đây khiến nhiều người lo ngại. Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng ở Nga có biến chuyển theo chiều hướng tích cực nhưng người dân vẫn có thói quen đưa và nhận hối lộ. Hành động này được xem là tiếp tay cho nạn tham nhũng.
Khảo sát do Trung tâm Levada thực hiện đưa ra số liệu cho thấy 15% người dân Nga thừa nhận phải hối lộ các quan chức, 30% số người được hỏi tin rằng đối với dân thường thì không có cách nào khác để giải quyết vấn đề ngoài việc đưa hối lộ. Ở khía cạnh khác, 67% số người vi phạm giao thông cho biết họ đã nộp phạt cho cảnh sát giao thông mà không lấy biên lai.
Tất nhiên, xóa bỏ nạn tham nhũng là quá trình lâu dài. Trước tiên là ý thức của các quan chức, nhưng sau đó còn là ý thức của người dân vì cần nói không với nạn đưa hối lộ thì tình trạng tham nhũng mới được loại bỏ khỏi xã hội. Quyết tâm nói “không” với tham nhũng sẽ là một trong những giải pháp giúp nước Nga trở nên trong sạch, tốt đẹp hơn trong mắt giới đầu tư cũng như bạn bè quốc tế.
THANH HẰNG