Ngày 1-2, Tổng thống Dmitry Medvedev đã phê chuẩn Học thuyết về an ninh lương thực của Liên bang Nga, nhằm thực hiện chính sách kinh tế của Nhà nước bảo đảm lương thực cho người dân, tăng lượng sản xuất lương thực, hàng hóa trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Học thuyết đề ra mục tiêu đến năm 2020, sản lượng sản xuất nội địa của Nga đáp ứng được 95% nhu cầu trong nước, sản xuất đường, dầu thực vật, cá và các sản phẩm làm từ cá tăng 80%, trong khi sản lượng thịt tăng 85%, sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 90%.
Hãng Ria Novosti nhận định, mục tiêu tăng lượng sản xuất nội địa lên mức 95% của Chính phủ Nga hoàn toàn có cơ sở để đạt được. Trong những năm gần đây, Nga đã từng bước giảm số lượng hàng hóa nhập khẩu, đẩy mạnh sản xuất trong nước. Sản lượng sản xuất thịt của Nga đã tăng 13% trong năm ngoái, đạt 3,3 triệu tấn, giảm số lượng nhập khẩu xuống 20%.
Hiện nay, Nga đứng trong đội ngũ tốp 3 quốc gia lớn nhất về xuất khẩu lúa mì cho thị trường thế giới, dự kiến sản lượng lúa mì xuất khẩu của nước này đạt 38 triệu tấn đến năm 2015. Theo ý kiến của các chuyên viên Ngân hàng Thế giới, Nga có đủ điều kiện cần thiết để trong 15 năm tới tăng gấp đôi khối lượng xuất khẩu ngũ cốc, lên đến 40 đến 50 triệu tấn vì diện tích đất canh tác của Nga chiếm 14% diện tích canh tác toàn thế giới.
Cùng ngày, đạo luật mới về thương mại đã bắt đầu có hiệu lực tại Nga. Đây là đạo luật bảo vệ người tiêu dùng khỏi tình trạng nâng giá và loại khỏi thị trường những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Theo đó, Chính phủ Nga có thể khống chế tạm thời giá các mặt hàng thiết yếu, nếu trong vòng một tháng các sản phẩm này đắt lên quá 30%. Chính phủ cũng có quyền đặt thời hạn không quá 90 ngày cho mức giá bán lẻ trần chấp nhận được đối với những mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Luật cũng buộc các cửa hàng phải công khai các điều kiện lựa chọn nhà cung cấp trên mạng Internet.
T.HẰNG