Ngại định giá tài sản công vì sợ vướng lao lý? ​

Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công. Bởi vì, người ta rất e ngại, có thể định giá rất vô tư nhưng sau một thời gian kiểm tra, giám sát trở lại thì giá thị trường có thể thay đổi, người ta lại mắc vào vòng lao lý.
Quốc hội họp chiều 11-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi) chiều 11-11, một số ĐBQH đã đề cập về vấn đề định giá, nhất là trong lĩnh vực y tế hiện nay.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, rất nhiều những vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thì đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công.

“Bởi vì, người ta rất e ngại, có thể định giá rất vô tư nhưng sau một thời gian kiểm tra, giám sát trở lại thì giá thị trường có thể thay đổi, người ta lại mắc vào vòng lao lý”, ĐB nói.

Nhiều cơ quan, nhiều đơn vị vì vậy không mua sắm được các tài sản, vật tư, hàng hóa. Điển hình như bệnh viện, vật tư và thuốc chữa bệnh không mua được; nhiều tài sản công của Nhà nước thì không thể chuyển giao cho khu vực tư được. 

Ngại định giá tài sản công vì sợ vướng lao lý? ​ ảnh 2 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB cho rằng, chúng ta đã không có công cụ pháp luật để buộc những người làm chức năng định giá làm đúng cũng như bảo vệ cho những người làm công tác định giá.

“Cần có quy định trong luật về vấn đề này thay vì chỉ để một văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nếu chỉ là hướng dẫn của bộ sẽ hoàn toàn không đủ cơ sở pháp luật để buộc những người tham gia định giá không lợi dụng trục lợi trong quá trình định giá, và cũng không đủ cơ sở pháp luật để bảo vệ họ khi có những vấn đề liên quan đến điều tra, kiểm tra”, ĐB Hoàng Văn Cường nêu.

Cũng chung mối quan tâm về giá trong lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị đối với dịch vụ y tế thì phải áp dụng cách tính đặc thù, không thể áp dụng cách tính như giá thông thường được.

Theo ĐB, dịch vụ y tế là không lợi nhuận, nhà nước đảm bảo y tế, giáo dục cho nhân dân. Y tế thì không thể điều hòa, kiểm soát cung cầu như hàng hóa thông thường được, ví dụ qua đại dịch Covid-19 vừa rồi chúng ta không thể kiểm soát theo hàng hóa thông thường. Mặt khác, đây là dịch vụ mà không thể từ chối bán hàng trong mọi trường hợp và không thể điều chỉnh theo giá thị trường theo như hàng hóa thông thường.

ĐB Nguyễn Thị Thu Dung cũng cho rằng, đối với y tế phải làm rất rõ ràng cách tính giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư nhân, trong đó Bộ Y tế sẽ tính các gói dịch vụ y tế cơ bản và gói dịch vụ y tế nâng cao. Đối với dịch vụ y tế cơ bản thì Nhà nước phải đặt hàng các cơ sở y tế, các bệnh viện. Đối với dịch vụ y tế nâng cao, có thể tính giá trị ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tính giá trị thương hiệu vô hình ở đây. Người dân được lựa chọn dịch vụ này.

Ngại định giá tài sản công vì sợ vướng lao lý? ​ ảnh 3 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Luật Giá được xây dựng theo hướng điều chỉnh một cách toàn diện vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về giá. Nếu được Quốc hội thống nhất thì những vấn đề liên quan đến phương pháp, nguyên tắc và phạm vi định giá sẽ giao cho Bộ Tài chính chủ trì.

Ví dụ liên quan đến giá đất, Bộ Tài chính sẽ chủ trì với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định giá đất, còn hiện nay các giá thì đang còn ở bộ chuyên ngành.

“Nếu được, giao cho chúng tôi nhận trách nhiệm này để đảm bảo không có sự chồng chéo hay có vấn đề sai lệch so với tiêu chuẩn chung”, Bộ trưởng nêu.

Về hiệp thương giá, Bộ trưởng cho rằng, Luật Giá hiện hành không xác định phạm vi mà cho doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước cùng hợp thức hóa với cơ quan nhà nước, đây là 2 vấn đề khác nhau. Đối với doanh nghiệp thì lợi nhuận tối đa, đối với cơ quan nhà nước thì mang tính đại diện, nên vấn đề đấu tranh với nhau để đưa đến một mức giá công bằng cũng không hoàn toàn chính xác. Do đó, luật sửa đổi quy định hiệp thương giá chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là trọng tài.

Bộ trưởng cho biết, vừa rồi xảy ra vụ kit test. Kit test đó là trong điều kiện dịch bệnh, đó là giá qua hiệp thương, xác định giá tạm thời và sau đó sẽ kiểm tra lại việc hình thành giá thông qua nguyên vật liệu. Sau quá trình thẩm tra, về phía Bộ Tài chính đã có ý kiến và hiệp thương giá để mua 200.000 kit test, không phải là mua kit test toàn bộ. Nhưng sau này Bộ Y tế đã lấy giá này để đưa vào công khai cho các địa phương mua.

“Đối với Cục Giá của Bộ Tài chính cũng có sai sót là khi kiểm tra không mua nữa phải có một thông báo, nếu có thông báo đó thì cán bộ của Bộ Tài chính không bị kỷ luật, nhưng vì không có thông báo hủy giá tạm tính để mua 100.000 kit test nên vẫn có trách nhiệm, vì vậy vẫn bị xử lý kỷ luật”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề sách giáo khoa, định giá giá tối đa hay giá tối thiểu hay một số mặt bằng khác, theo Bộ trưởng chúng ta luôn luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để quy định mức giá không cao, nhưng lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp. Khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng biện pháp, hay nói cách khác là dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên lợi nhuận độc quyền. Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến này…

Tin cùng chuyên mục