Còn nhớ, thời đất nước khó khăn, mỗi lần đến Tết Trung thu là lũ trẻ chúng tôi lại háo hức rủ nhau tự làm đèn ông sao. Cả đám nhỏ đi kiếm một ống tre già về chẻ lấy phần cật tre, ngâm nước cho dẻo, rồi chuốt, rồi vót cho thật mỏng, láng và bóng. Sau đó dùng những cọng thép nhỏ cột các thanh tre thành năm cánh sao, rồi lấy giấy bóng kiếng màu đỏ, dùng hồ dán khéo léo phủ kín hai mặt, uốn một cọng kẽm làm chỗ cắm nến. Thế là có được một chiếc đèn ông sao. Thắp nến, treo đèn, ánh đèn ông sao cứ lung linh, lung linh…
Vào những đêm rằm tháng Tám, lũ trẻ trong khu tập thể thường tụ tập lại, mỗi đứa góp một phần bánh, trái cây, rồi cùng nhau phá cỗ, nhưng vui nhất là phần rước đèn. Cả đám xếp thành hàng dài, rước đèn đi vòng quanh các phố, cùng hát vang bài “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…”. Ánh đèn ông sao ấy cứ lấp lánh mãi trong ký ức, gợi nhớ mỗi mùa Trung thu đến.
Ngày các con tôi còn nhỏ, tôi cũng thường cùng các con làm đèn ông sao. Ở khu trung tâm thành phố không tìm được cật tre, mẹ con tôi làm lồng đèn bằng đũa. Đèn đẹp rực rỡ, được mọi người khen, con trai tôi biến niềm vui nhỏ thành một ước mơ rất lớn. Thằng bé năm tuổi tuyên bố: “Lớn lên con sẽ làm lồng đèn ông sao để bà nội… gánh đi bán”. Vậy mà, ước mơ ngô nghê của tuổi thơ ấy nhanh chóng bị lãng quên khi một ngày cả thành phố tràn ngập lồng đèn Trung Quốc. Nhấp nháy, rực rỡ sắc màu, cộng thêm âm thanh và công nghệ, đèn lồng Trung Quốc đã làm nao lòng bao bà mẹ và con trẻ. Thế nhưng, cứ sau mỗi mùa Trung thu, tôi lại xót xa nhìn đống đồ chơi nhựa ấy biến thành những đống rác thải, đèn, pin rệu rã, chỏng chơ. Mấy năm nay, cháu gái tôi có con nhỏ 3 tuổi còn phải thông báo đến bà con họ hàng gần xa, xin đừng tặng cháu yêu đèn nhựa Trung Quốc…
Vậy mà, năm nay ở thành phố lại có một mùa Trung thu thật vui. Sau bao nhiêu năm vắng bóng trên thị trường, đèn ông sao và nhiều kiểu dáng lồng đèn truyền thống của Việt Nam đã xuất hiện trở lại. Không chỉ bán chạy, đèn lồng Việt còn áp đảo thị trường. Thế là ước mơ năm xưa vẫn còn. Ở các phố bán lồng đèn của quận 5, TPHCM không khí của kẻ mua, người bán bỗng trở nên ấm áp, chân tình khi họ cùng nhau chia sẻ về nỗi niềm của lồng đèn Việt. Người mua giờ đây đã quan tâm tìm cho được lồng đèn sản xuất trong nước, để có được sự yên tâm, an toàn cho con trẻ. Người bán cũng hào hứng giới thiệu nhiều đèn lồng Việt năm nay được sản xuất với các kiểu dáng thiết kế sáng tạo, được cách điệu từ đèn lồng truyền thống. Bàn tay khéo léo của người Việt đang tạo nên những hiệu ứng không ngờ.
Sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam không chỉ làm sôi động thị trường lồng đèn Trung thu mà còn đem lại sức sống cho cả một làng nghề. Năm nay, không khí ở những xóm chuyên sản xuất lồng đèn tại quận 11, TPHCM nhộn nhịp hẳn. Từng có hơn 50 năm làm nghề truyền thống, thời hoàng kim có hàng trăm hộ làm nghề, vậy mà cơn lốc lồng đèn Trung Quốc từng khiến phân nửa số gia đình sản xuất nghề truyền thống nơi đây phải đóng cửa. Trung thu năm nay, các xóm nghề đã thật sự hồi sinh. Nhiều nhà sản xuất, nhiều người thiết kế trẻ đang nghiên cứu để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước về mẫu mã, chất lượng, giá cả… để nghề sản xuất lồng đèn của Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Mấy ngày nay, đám bạn tôi cùng rủ nhau tự làm bánh Trung thu. Sự bất an về thực phẩm an toàn nào ngờ lại có tác động tích cực giúp cho những bà nội trợ bận rộn có thời gian xích lại gần nhau. Bánh ăn thì ít nhưng niềm vui lại rất lớn khi chúng tôi có thể thu xếp mọi bươn bả, lo toan, cùng ngồi lại với nhau trò chuyện chân tình và ấm áp.
Tết Trung thu này thật sự là một mùa vui, với mọi người, mọi nhà.
VIỆT HÀ