Ngầm hóa “mạng nhện” từng đường nhỏ, tuyến hẻm

10 năm qua, TPHCM đã có 195 tuyến đường được ngầm hóa hệ thống cáp thông tin đồng bộ với lưới điện tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại. Tại nhiều con đường, tuyến hẻm nay đã thông thoáng khang trang, người dân bày tỏ sự hài lòng và hân hoan khi nhìn khu vực mình sinh sống, khu trung tâm thành phố ngày càng văn minh.
Đường Lê Duẩn (quận 1) khang trang, hiện đại hơn nhờ ngầm hóa dây điện và cáp viễn thông
Đường Lê Duẩn (quận 1) khang trang, hiện đại hơn nhờ ngầm hóa dây điện và cáp viễn thông

Góp phần phát triển kinh tế địa phương

Hơn 10 năm trước, hình ảnh trụ điện cõng từng bó dây điện, cáp viễn thông nặng trĩu giăng khắp các tuyến đường TPHCM gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn điện. Tuy nhiên, nhiều năm qua, những “mạng nhện” dần được xóa bỏ. Các tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 dây cáp viễn thông, dây điện chằng chịt đã không còn.

Nhiều tuyến đường xa trung tâm cũng đã hạ “mạng nhện” xuống đất như đường Vườn Lài, Nguyễn Sơn (quận Tân Phú), Hoàng Văn Thụ, Út Tịch, Trường Sa, Phổ Quang (quận Tân bình), Ngô Quyền, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành (quận 10)... Thay vào đó là những chiếc tủ nhỏ nằm gọn trên vỉa hè chứa nhánh rẽ dây cáp, dây điện.

Ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), nhớ lại, giai đoạn 2003-2005, EVNHCMC thực hiện thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ (quận 1). Thời điểm này, chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được ngầm hóa cáp thông tin và chiếu sáng nên tình trạng “mạng nhện” chưa được cải thiện triệt để.

Đến năm 2009-2010, EVNHCMC tiếp tục thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông tại một số khu vực nội thành. Từ đó, để việc ngầm hóa đồng bộ hơn, UBND TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo Ngầm hóa lưới điện kết hợp với cáp viễn thông TPHCM nhằm tạo cơ chế xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư hạ tầng tham gia. Do đó, từ năm 2012 đến nay đã có thêm nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng ngầm cho viễn thông như Viettel, VNPT, SCTV, FPT, Tradincorp, MobiFone, HTVC, CMC, TPCOM.

Theo Ban chỉ đạo Ngầm hóa lưới điện kết hợp với cáp viễn thông TPHCM, 10 năm qua đã hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường. Trong đó, giai đoạn 2011-2015, hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến với khối lượng 350km lưới điện trung thế, 576km lưới điện hạ thế.

Giai đoạn 2016-2020, hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến với tổng khối lượng 675km lưới điện trung thế, 1.160km lưới điện hạ thế. Tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố tăng từ 25% năm 2011 lên 45% cuối năm 2020. Tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế ở quận 1, 3 đạt 98%, khu vực nội thành  quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đạt 60%.

Sử dụng công nghệ để thực hiện đồng bộ

Đại diện VNPT TPHCM nhìn nhận, nhiều dự án không đảm bảo tiến bộ do nhiều nguyên nhân như: chưa có công cụ quản lý giám sát tiến độ; chưa có hệ thống đồ họa quản lý không gian ngầm chung gây khó khăn khi phối hợp thực hiện, quản lý và khai thác; công tác quản lý hạ tầng, ngầm hóa chưa thực sự đồng bộ dẫn đến các phát sinh thay đổi.

Một vấn đề khác, trong quá trình thi công thực hiện, do hệ thống hầm cống ngầm ngày càng nhiều, để thi công thả cáp ngầm kết nối giữa hệ thống hầm trên lề đường và hệ thống hầm cống dưới lòng đường, các đơn vị phải xin thêm thủ tục dẫn đến thời gian kéo dài. Để khắc phục các tồn tại trên, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào lập kế hoạch, theo dõi giám sát thực hiện, quản lý khai thác hạ tầng ngầm dùng chung cần đồng bộ thông tin giữa các đơn vị, chủ đầu tư, Nhà nước. Ngoài ra, Sở GTVT cung cấp số liệu, cập nhật thường xuyên thông tin các tuyến đường cấm đào cho các đơn vị triển khai ngầm hóa.

Ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, chia sẻ thêm, công tác ngầm hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều tuyến đường có vỉa hè hẹp, thậm chí không có vỉa hè nên không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị. Ngoài ra, một số hộ dân không muốn lắp đặt các trạm biến thế, thiết bị điện trước nhà. Nếu đúng kế hoạch, dự án cải tạo ngầm hóa lưới điện sẽ góp phần giúp EVNHCMC đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của TPHCM vào năm 2025.

Giai đoạn 2021-2025, thực hiện đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số. Ban chỉ đạo Ngầm hóa lưới điện kết hợp với cáp viễn thông TPHCM đặt mục tiêu khối lượng thực hiện ngầm hóa đạt 500km lưới điện trung thế, 800km lưới điện hạ thế; tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế 50%-60%. Trong đó, các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 80%- 90%, riêng các quận 1, 3, 5 tỷ lệ ngầm hóa 100%; các quận còn lại tỷ lệ ngầm hóa 60%-80%; tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế từ 35%-40%, khu vực trung tâm thành phố tỷ lệ ngầm hóa 80%.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, thực hiện ngầm hóa như một cuộc cách mạng làm cho đô thị ngăn nắp, gọn gàng hơn. Ngầm hóa dây điện, cáp viễn thông giảm thiểu được mất điện, hạn chế được sự cố do thiên tai, tính an toàn điện được nâng cao, tạo nguồn điện ổn định cho người dân sinh hoạt, sản xuất. Tiếp theo, TPHCM sẽ tập trung làm những tuyến đường nhỏ, đường không có vỉa hè, đặc biệt, chú trọng ngầm hóa khu vực TP Thủ Đức. Do đó, Ban chỉ đạo Ngầm hóa lưới điện kết hợp với cáp viễn thông TPHCM cần có chiến dịch để đạt hiệu quả hơn, củng cố nhân sự, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động. Sở QH-KT phối hợp với các đơn vị đề xuất quy hoạch hạ tầng ngầm hợp lý để thuận tiện khi xây dựng. Các đơn vị nghiên cứu sử dụng các thiết bị hiện đại, nhỏ gọn để tạo mỹ quan đô thị.

Tin cùng chuyên mục