Ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi ở Bình Phước và Tây Ninh đang phải liên tục chống chọi với nhiều dịch bệnh trên vật nuôi như: dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Hộ chăn nuôi bò ở huyện Bù Đốp, Bình Phước
Hộ chăn nuôi bò ở huyện Bù Đốp, Bình Phước

Bình Phước và Tây Ninh là 2 tỉnh có nhiều thế mạnh về phát triển chăn nuôi gia súc, nhưng vài năm trở lại đây, người chăn nuôi gặp khó do dịch bệnh thường xuyên xuất hiện. Thời điểm này, các hộ chăn nuôi ở 2 địa phương này đang phải liên tục chống chọi với nhiều dịch bệnh trên vật nuôi như: dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Nhiều hộ khó tái đàn

 Bình Phước hiện có 93 trang trại chăn nuôi gia cầm với khoảng 7,5 triệu con; 307 trang trại chăn nuôi heo với 1,4 triệu con; trong đó có 115 trại nuôi heo được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Nhưng từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 28 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với số heo tiêu hủy là 2.029 con, làm nhiều hộ dân gặp khó trong tái đàn. 

Mới nhất, lực lượng chức năng TP Đồng Xoài đã tiêu hủy 24 con heo của hộ bà Phạm Thị Thanh Thủy (khu phố 3, phường Tiến Thành) và yêu cầu các xã, phường trong vùng bị dịch uy hiếp tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đầu tháng 7-2021, đàn bò 9 con của gia đình anh Mã Trung Truyền (ngụ ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) xuất hiện những u mụn nhỏ trên da, sau đó lan dần khắp cơ thể, nhiều con có triệu chứng sốt, được cơ quan chức năng xác định bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục, chưa xác định được nguồn lây, gia đình buộc phải tiêu hủy 2 con (trị giá 15 triệu đồng/con) bị bệnh nặng.

Theo anh Truyền, thường ngày đàn bò được chăn thả trên đồng cỏ nên bị côn trùng đốt; việc lái buôn qua lại, buôn bán bò trong khu vực biên giới cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mầm bệnh. 

Cũng từ đầu năm đến nay, Bình Phước đã phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò tại 52 xã, thuộc các huyện, thị xã, thành phố: Bù Đốp, Hớn Quản, Lộc Ninh, Chơn Thành, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Phước Long, Đồng Phú. Tổng số bò bị bệnh là 500 con, đã tiêu hủy 44 con. Ngoài ra, trong tháng 8-2021, tỉnh cũng phát hiện 13 con bò bị bệnh lở mồm long móng ở xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng). Rất may ổ dịch được khống chế kịp thời, đến nay chưa phát sinh ổ dịch mới. 

Tỉnh Tây Ninh có 650 trang trại gia súc với tổng đàn 156.353 con, trong đó tỷ lệ trâu bò chiếm 20,7%. Từ khi bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra đầu tiên ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền (huyện Châu Thành), đến nay bệnh đã xuất hiện tại 87 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố với 3.822 con trâu, bò nhiễm bệnh, 343 con chết, khiến nhiều hộ chăn nuôi giảm nguồn thu nhập, khó khăn tái đàn. 

Chủ động tiêm vaccine phòng ngừa

 Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã triển khai tiêm 9.766 liều vaccine viêm da nổi cục, 31.900 liều vaccine lở mồm long móng trên trâu, bò; kiểm dịch 3.954 con trâu, bò, 157.817 con heo; khử độc 3 đợt với 7.500 lít thuốc và tiêm bổ sung 228.673 liều vaccine cho nhiều vật nuôi để phòng dịch bệnh. 

Ngành nông nghiệp Tây Ninh cũng thẩm định, tái thẩm định, lấy mẫu tại các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh và hướng dẫn người chăn nuôi làm trang trại theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, cơ sở giết mổ phải đảm bảo vệ sinh, mua bán động vật rõ nguồn gốc… để ngăn chặn mầm mống dịch bệnh có nguy cơ lan ra nhiều khu vực. 

Tỉnh Bình Phước cũng đang tăng cường tiêm phòng vaccine cho trâu, bò để phòng chống bệnh viêm da nổi cục. Công tác phòng chống dịch diễn ra khẩn trương tại nhiều huyện, thị xã, trong đó có huyện Chơn Thành. Đến nay tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho hơn 42.050 con trâu, bò. Số trâu bò nhiễm bệnh được tiêm vaccine qua 21 ngày đã bắt đầu có kháng thể bảo vệ nên các hộ chăn nuôi cũng bớt lo lắng, yên tâm hơn về sức khỏe vật nuôi.  

Bình Phước đang duy trì 2 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật ở cửa ngõ vào tỉnh là xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) và xã Thành Tâm (huyện Chơn Thành); phân công cán bộ trực 24/24 giờ, tăng cường kiểm soát, phun xịt tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển ra vào. Đáng chú ý, từ tháng 6 đến 9-2021, lực lượng chức năng đã kiểm dịch 38.531 lô hàng với hơn 17 triệu con gà, 1,3 triệu con heo và 11.997.628kg thịt động vật làm thực phẩm, ngăn chặn việc vận chuyển động vật nhiễm bệnh bán về TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước Nguyễn Thanh Bình cho biết, sở đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và hướng dẫn các địa phương nhanh chóng hoàn thành công tác tiêm vaccine tụ huyết trùng trên đàn gia súc; đồng thời tập trung triển khai  hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi khảo sát, đánh giá, lựa chọn các vị trí đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y để xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục