Ngăn chặn những cái chết oan khuất

Trận lũ ở 3 tỉnh Bắc Trung bộ trong những ngày giữa tháng 10 chỉ xảy ra trong chớp nhoáng đã làm 46 người dân thiệt mạng. Nếu cộng thêm cả đợt lũ vừa xảy ra 6 ngày trước đó, tức vào đầu tháng 10, thì có tới hơn trăm người thiệt mạng. Năm nào mưa bão, lũ lụt cũng có người chết. Những năm gần đây, người dân đã chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai, Nhà nước cũng nỗ lực thông tin kịp thời, cứu nạn, cứu trợ dân khỏi nguy cơ đói rét, chết đuối với hy vọng giảm thương vong ở mức thấp nhất.

Vậy mà mấy ngày qua, chuyện xe khách 48K-5868 chở 37 người rong ruổi từ các tỉnh phía Nam ra Bắc, tới địa phận xã Xuân Lam (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) thì gặp lũ cuốn trôi, đã làm người dân cả nước không khỏi bùi ngùi, xót xa. Mặc dù CSGT đã lập chốt chặn, cắm biển báo đường nguy hiểm nhưng tài xế vẫn coi thường tính mạng hành khách, cố tình vượt qua. Xe bị lũ cuốn xuống dòng sông La, 18 hành khách phải đập kính xông ra, thoát chết.

Còn lại 19 hành khách trôi theo dòng lũ. Câu chuyện thật quá đau lòng, vừa thương tâm, lại vừa làm nhiều người oán thán.

Chuyện vô tâm hoặc coi thường tính mạng con người hiện nay còn thấy rất nhiều mỗi khi người ta bước ra đường, đặc biệt là khi đi trên các chuyến xe khách. Do cạnh tranh và vì lợi nhuận tài xế, phụ xe thường đua nhau tranh khách. Xe sẵn sàng vượt, lách, vòng vèo trốn tránh CSGT, chất lượng xe lại không đảm bảo nên nhiều người còn gọi đó là những “chuyến xe bão táp”. Đây là tình trạng đang xảy ra trên cả nước. Nhiều vụ tai nạn đã gây ra những cái chết thương tâm, thảm khốc cũng do phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành hành khách mà ra.

Ngoài ra, những tai nạn khác như các chủ lò sang chiết gas bằng cách sử dụng bình gas cũ. Nhiều bình gas quá cũ, không đảm bảo an toàn khi sử dụng nhưng các nhà hàng vẫn dùng phục vụ thực khách nên nhiều vụ nổ gas đã xảy ra, gây thương tật cho người khác. Còn một số nhà thầu thi công các tòa nhà lớn chỉ vì “hà tiện” chi phí, không trang bị thiết bị bảo hộ cho công nhân đã gây nên nhiều vụ tai nạn lao động đáng tiếc.

Còn có những chuyện không xảy ra thiệt mạng ngay nhưng để lại những hậu quả lâu dài cho người sử dụng như việc dùng formone làm bánh phở, dùng hàn the làm giò chả, đem cồn pha đạm, đưa thêm thuốc trừ sâu vào rượu để thêm độ nồng, độ trong… Hay mới đây một cơ sở ở TPHCM còn sử dụng cả nhựa ve chai để sản xuất nón bảo hiểm dỏm. Rồi chuyện đào lấp đường, dựng lô cốt vô tội vạ, sau đó hoàn trả mặt bằng qua loa, để xảy ra liên tục các vụ sụp hố, làm nhiều người gặp nạn ở TPHCM mới đây. Điều này đã thể hiện sự vô tâm, coi thường tính mạng con người của những đơn vị thi công các công trình, dự án. Bởi những “hố đen của sự vô tâm” đó thật nguy hiểm, ngày nắng cũng có thể gây tai nạn, huống chi trời mưa nước ngập lênh láng, người dân chẳng biết đường nào tránh.

Điều trăn trở là chúng ta đã có cả một hệ thống cơ sở pháp lý để xử lý, răn đe những hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng con người đó, nhưng việc thực thi lại thiếu kiên quyết hoặc có chế tài thích đáng. Một khi công tác quản lý còn buông lỏng, cơ quan chức năng còn thờ ơ thì còn nhiều người chết oan! Đó là một kiểu coi thường tính mạng người khác mà xã hội ta không thể chấp nhận.

Văn Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục