- PHÓNG VIÊN: Theo thống kê, trong 7 ngày Tết Đinh Dậu 2017, toàn quốc đã xảy ra 368 vụ TNGT, làm chết 203 người (bình quân 29 người/ngày), làm bị thương 417 người (bình quân 59,6 người/ngày). Mới đây nhất, vào dịp Tết Dương lịch vừa qua, tuy số người chết vì TNGT có giảm nhẹ, nhưng số vụ tai nạn lại tăng hơn 33%, số người bị thương tăng 37%. Ông có bình luận gì về những con số này?
* Ông KHUẤT VIỆT HÙNG: Tình hình TNGT trong dịp tết lại luôn có diễn biến phức tạp, không những không giảm mà năm sau cao hơn năm trước, dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp. Những con số đau lòng nêu trên đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của TNGT trong những ngày tết so với ngày thường. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn của chúng tôi và cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác ATGT.
- Theo ông, vì sao TNGT trong dịp tết lại luôn tăng mạnh và khó kiểm soát như vậy?
* Nguyên nhân của TNGT tăng cao trong dịp lễ tết là do nhu cầu đi lại của người dân tăng, trong đó, nguyên nhân trực tiếp phải nói đến hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn.
Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu khiến cho TNGT trong dịp tết diễn biến phức tạp và khó kiểm soát phải đề cập đến là tình trạng sử dụng rượu bia. Tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp tết, cộng với tâm lý “tết mà” của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên, ở các địa bàn nông thôn, đã khiến cho người điều khiển phương tiện dễ dàng vi phạm các quy tắc về ATGT như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng…
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong tất cả những vụ TNGT, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu bia, con số này đang có xu hướng gia tăng. Khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT cũng cho thấy, có tới 36,5% số người lái xe máy và 66,8% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, vào những ngày tết, trong khi một số người tham gia giao thông vi phạm nồng độ còn rất cao thì lực lượng chức năng lại còn tâm lý “dễ dãi” trong việc xử lý những vi phạm của người tham gia giao thông.
- Vậy theo ông, làm thế nào để kéo giảm TNGT trong những ngày Tết Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018 sắp tới?
* Để kéo giảm TNGT dịp tết năm nay, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông tại những điểm chưa hợp lý, kịp thời sửa chữa hư hỏng để bảo đảm ATGT. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, các tuyến kết nối đến khu vực lễ hội và địa bàn diễn ra lễ hội. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người điều khiển về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành.
Trong những ngày này, Ủy ban ATGT quốc gia đã phát đi thông điệp về ATGT trong dịp Tết Mậu Tuất trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trong đó kêu gọi người dân có ý thức tuân thủ những quy tắc giao thông nhằm kéo giảm tai nạn.
Về xử lý nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT trong tết tăng cao, hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trong Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Đến nay, đã có nhiều địa phương rất quyết liệt xử lý “ma men” trong dịp tết. Tại các địa phương này, lực lượng CSGT đã lập chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, tập trung vào các thời điểm buổi trưa và tối cùng ngày, nếu phát hiện sẽ kiên quyết lập biên bản, xử lý các vi phạm theo quy định.
- Mọi kế hoạch kiểm soát trật tự ATGT Tết Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018 đã sẵn sàng, ông có nhắn nhủ gì với người tham gia giao thông?
* Tôi thực sự mong muốn mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ chính sinh mạng của mình, bảo vệ những người thân yêu trong gia đình và mọi người trong xã hội bằng cách luôn tuân thủ các quy tắc về an toàn khi tham gia giao thông. Đặc biệt, trong khi vui tết, rất cần có tinh thần “Uống có trách nhiệm”. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Bạn bè, những người thân trong gia đình phải có trách nhiệm với nhau, tuyệt đối không để người thân của mình đã uống rượu bia còn điều khiển phương tiện giao thông.
Về lâu dài, chế tài xử phạt cần bổ sung hình thức xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm có nguy cơ dẫn đến TNGT. Thực tế tại các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc đã thực hiện và rất hiệu quả trong việc tác động đến tâm lý, ý thức của người tham gia giao thông.
- Cảm ơn ông!