Ngăn chặn tái ô nhiễm kênh rạch

Ngăn chặn tái ô nhiễm kênh rạch

TPHCM đã phải đầu tư gần 1 tỷ USD trong đó bao gồm cả vốn vay và vốn đối ứng để nạo vét, khơi thông dòng chảy, xây dựng hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho 3 lưu vực kênh, rạch quan trọng bậc nhất thành phố gồm: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm và một phần của kênh Đôi - kênh Tẻ. Tuy nhiên, thành quả này đang có nguy cơ bị đe dọa bởi nạn vứt rác xuống kênh, rạch vẫn tiếp diễn. Vậy bảo vệ kênh, rạch thế nào? Báo SGGP nêu một số đề xuất, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TPHCM: Giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương

Ba lưu vực vừa mới được nạo vét, thông dòng, có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ môi trường, chống ngập cho TPHCM. Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường cho 1,2 triệu dân ở các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp. Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé và một phần kênh Đôi - Tẻ đảm bảo thoát nước và vệ sinh môi trường cho 8 quận, huyện: quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình và huyện Bình Chánh. Dự án nâng cấp đô thị TPHCM lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm giúp tiêu thoát nước cho một diện tích lên tới 19km2, trải dài qua 4 quận: 6, 11, Tân Bình và Tân Phú.

Dự án bao gồm các hạng mục: mở rộng kênh, nắn dòng chảy, nạo vét bùn, đắp bờ kênh, xây tường ngăn lũ, cải tạo mặt đường, đồng thời xây mới 12 cây cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến… TPHCM chỉ còn một lưu vực cần cải tạo là Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Tuy nhiên với 3 dự án nêu trên, tình trạng ngập và ô nhiễm môi trường ở khu vực nội thành TPHCM cơ bản đã được giải quyết. Chính vì vậy, bảo vệ thành quả của 3 dự án là công việc cực kỳ quan trọng.

Theo tôi, cách tốt nhất là giao trọng trách này cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư tại chỗ. Hiện nay nhiều công việc về quản lý đô thị cũng được giao về cho địa phương, song do thiếu những giải pháp cụ thể cùng những điều kiện để thực hiện, nên hiệu quả thu được chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, các sở ngành chức năng nên nghiên cứu tham mưu cho UBND TPHCM đưa ra giải pháp cụ thể, giúp địa phương thực thi tốt nhiệm vụ của mình. Tôi lấy ví dụ, chính quyền địa phương có thể làm việc với các cán bộ hưu trí, những người già có uy tín trong cộng đồng, cùng các cụ vận động người dân trong khu vực không vứt rác xuống kênh, rạch.

Một góc cảnh quan kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM: Nên gắn camera giám sát, lập đường dây nóng

Vừa qua, khu phố tôi sinh sống đã tổng kết hiệu quả của việc người dân cùng chính quyền góp tiền gắn camera quan sát trong khu phố để giữ gìn trật tự an ninh, kết quả thu được rất khả quan. Các tệ nạn giảm hẳn… Tôi nghĩ nên nhân rộng hình thức này trong việc chống vứt rác, bảo vệ hệ thống kênh, rạch thành phố. Việc mua camera và xây dựng mạng kết nối, phân tích kết quả thu được… có thể kêu gọi người dân địa phương hoặc các doanh nghiệp tham gia đóng góp cùng Nhà nước.

Gắn camera quan sát tình hình trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng mà không hề vi phạm đến quyền riêng tư của người dân. Việc này đặc biệt hiệu quả đối với những địa phương mà ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của nhiều người dân còn hạn chế như TPHCM. Cùng với việc gắn camera, chính quyền địa phương nên lập đường dây nóng, tiếp nhận các phản ánh của người dân về các hành vi xâm hại đến kênh, rạch. Các đường dây này phải thật sự “nóng”, nghĩa là phải tiếp nhận và giải quyết ngay các thông tin của người dân. Người dân thấy chính quyền nhiệt tình, có trách nhiệm cao thì họ mới tin tưởng và ủng hộ.

Bên cạnh đó, việc đặt thêm các thùng rác và các biển hiệu, nhắc nhở không được vứt rác bừa bãi dọc các tuyến kênh đã được chỉnh trang, cũng là một cách hiệu quả làm giảm tình trạng vứt rác xuống kênh. Các thùng rác này phải luôn được giữ gìn sạch sẽ, thuận tiện cho người dân bỏ rác vào. Và cuối cùng, nếu vẫn còn người cố tình vứt rác xuống kênh rạch, dù đã được cảnh báo, nhắc nhở, đã được tạo điều kiện có nơi vứt rác, thì phải bị xử lý thật nghiêm khắc. Có thể phạt tiền thật nhiều và buộc họ khắc phục hậu quả đã gây ra bằng cách đi vớt rác trên kênh, rạch trong một thời gian nhất định.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Cần bố trí đủ thùng rác

Dọc các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… có rất nhiều quán ăn, quán nhậu, quán cà phê… mọc lên. Không gian tuyệt đẹp của các tuyến kênh vừa mới được nạo vét, được kè bờ, là nơi lý tưởng cho người dân thư giãn, gặp gỡ bạn bè sau một ngày làm việc mệt nhọc… nên nhiều hàng quán mọc lên ở đây cũng là điều bình thường. Thế nhưng, vấn đề là rác thải từ các hàng quán này hoặc từ các khách hàng của các hàng quán, có được vứt đúng nơi quy định? Các nhà hàng, quán ăn có bố trí đủ thùng rác để khách hàng bỏ rác khi cần? Đặc biệt có đủ nhà vệ sinh cho khách sử dụng?...

Theo tôi, chính quyền địa phương và ngành chức năng phải đặc biệt kiểm soát việc này. Thậm chí, nếu được, nên giao hẳn trách nhiệm giữ gìn vệ sinh trong khu vực hàng quán cho các chủ quán. Chủ quán nào có ý thức giữ gìn vệ sinh tốt, nhắc nhở khách hàng vứt rác đúng nơi quy định sẽ được xem xét miễn, giảm một số trách nhiệm tài chính nào đó… ngược lại, sẽ bị xử phạt thật nặng.

Cùng với việc thả cá xuống kênh, rạch để làm sống lại kênh, rạch, TPHCM nên tổ chức khai thác thêm các loại hình du lịch trên kênh, rạch. Các sinh hoạt nhộn nhịp trên kênh cũng sẽ có tác động tốt đến ý thức giữ gìn vệ sinh, môi trường của người dân. Một khi kênh, rạch không chỉ là cảnh quan, môi trường sống và còn thật sự hòa nhịp với sinh hoạt, với việc kinh doanh của người dân, thì người dân sẽ có ý thức bảo vệ hơn.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục