Ngăn chặn tẩu tán tài sản từ khâu thanh tra, kiểm tra

Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, chỉ thị đã gợi mở nhiều giải pháp để thu hồi tài sản tham nhũng. Để làm rõ hơn các nội dung này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.
TS Đinh Văn Minh. Ảnh: ĐỖ TRUNG 

Cú hích thu hồi tài sản

PHÓNG VIÊN: Trong chỉ thị của Ban Bí thư đề cập nhiều nội dung quan trọng về thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng trên thực tế, việc thu hồi tài sản chưa được như kỳ vọng. Ông có thể lý giải nguyên nhân?

TS ĐINH VĂN MINH: Có thể trước kia chúng ta quan niệm đấu tranh chống tham nhũng có khác so với bây giờ. “Quốc nạn” này lúc nào cũng cần phải chống, nhưng ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử có những trọng tâm, trọng điểm và phương pháp, biện pháp khác nhau. Thời gian gần đây, chúng ta quan tâm nhiều hơn tới thu hồi tài sản, bởi vì ngày càng nhận thức được rằng, tham nhũng không có mục đích gì khác là chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, cho nên mục tiêu của đấu tranh chống tham nhũng chính là bảo vệ, thu hồi được tài sản của Nhà nước, nhân dân bị chiếm đoạt. Những vụ án gây thất thoát hoặc bị chiếm đoạt lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, mới thấy hết được ý nghĩa và yêu cầu của việc thu hồi tài sản bức bách như thế nào. 

Chỉ thị của Ban Bí thư coi thu hồi tài sản là “nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác phòng chống tham nhũng”. Đây là một tư tưởng xuyên suốt và được coi trọng trong thời gian gần đây. Chỉ thị lần này thể hiện một cách mạnh mẽ, rõ ràng như một cú hích lớn để cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ làm tốt hơn, thậm chí xem lại cơ chế chính sách còn vướng mắc để tiếp tục sửa chữa, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hồi tài sản.

Việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, có phải do cơ chế?
mNhững việc còn hạn chế yếu kém đều có nguyên nhân từ cơ chế chính sách và quá trình tổ chức thực hiện. Việc khó khăn thu hồi tài sản đôi khi đến từ các cơ quan có thẩm quyền được giao trách nhiệm, nhưng quyền hạn không tương xứng để có thể thực hiện nhiệm vụ đó. Trong Chỉ thị 04 đề cập tới nhận thức về cơ chế và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi tiến hành xử lý các vụ việc. Tôi cho rằng, khi bắt đầu xử lý một vụ việc thì phải quan tâm ngay đến những nguy cơ có thể thất thoát ở khâu nào, có thể được che giấu ở đâu, có nguy cơ bị tẩu tán không... để thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Luật pháp phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng này. Đồng thời, chỉ thị cũng yêu cầu nghiên cứu để có thể thực hiện thu hồi tài sản không qua bản án và vấn đề này đã được Bộ Tư pháp, các cơ quan có trách nhiệm tích cực nghiên cứu, có kiến nghị bước đầu. Ngoài khó khăn từ cơ chế, còn có những hạn chế từ phía người thực thi. Điều này có thể do trình độ, năng lực, sự phối hợp giữa các khâu, các cơ quan, thậm chí do cả đạo đức và phẩm chất của cán bộ, công chức… 
Bên cạnh đó, chỉ thị cũng nêu phải phát huy sự tích cực tham gia tố giác của người dân, xã hội, báo chí và các tổ chức xã hội về những biểu hiện tham nhũng, những tài sản không minh bạch, có dấu hiệu nguồn gốc từ tham nhũng. Các cơ quan nhà nước phải hết sức lắng nghe, trân trọng các nguồn thông tin, chắt lọc và xử lý kịp thời, có hiệu quả phục vụ việc thu hồi tài sản. 
Chuyển điều tra khi đang thanh tra
Ban Bí thư đề nghị rà soát lại để sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án… theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế. Việc này có tác dụng gì, thưa ông? 
Hiện nay, về mặt luật pháp, chúng ta chủ yếu chỉ thu hồi qua bản án. Đó là khâu cuối cùng, còn phần “gốc” của việc thu hồi lại trong quá trình phát hiện ra tài sản thất thoát. Muốn giải quyết được thì người thực thi phải có quyền hạn, rõ tới đâu xử lý tới đó và thu hồi ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra. 
Hiện nay, cũng có những biện pháp để ngăn chặn tẩu tán tài sản. Cụ thể, trong kiểm soát tài sản thu nhập hiện nay đã giao cho cơ quan kiểm soát (chủ yếu là cơ quan thanh tra) có quyền yêu cầu các cơ quan khác có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản, phong tỏa tài sản… Và trong Luật Thanh tra sửa đổi sẽ hướng tới việc bảo đảm thu hồi có hiệu quả tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. 
Trong Luật Thanh tra sửa đổi sắp tới sẽ có những quy định gì để phòng chống tẩu tán tài sản, thưa ông?
Luật Thanh tra sắp tới sẽ quy định theo hướng tăng cường quyền hạn cho cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra như tinh thần Chỉ thị 04 để có thể thực hiện ngay các biện pháp thu hồi tài sản trong quá trình tiến hành thanh tra khi vụ việc đã rõ ràng, đầy đủ căn cứ. Nếu trong quá trình thanh tra phát hiện những hành vi vi phạm đến mức độ tội phạm thì sẽ chuyển ngay sang cơ quan điều tra để kịp thời xử lý, đồng thời với đó là vẫn tiến hành thanh tra các nội dung khác như kế hoạch. Để làm tốt được điều đó, bản thân các cơ quan thanh tra phải cố gắng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, năng lực phát hiện vi phạm và thu thập thông tin tài liệu, hồ sơ thanh tra để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra nhanh chóng truy cứu trách nhiệm cũng như áp dụng các biện pháp mạnh mẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra sửa đổi sẽ có quy định về sự phối hợp của cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát để nhanh chóng xử lý những kẻ vi phạm cũng như thu hồi có hiệu quả tài sản, tiền bạc bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự, kinh tế. 

Tin cùng chuyên mục