Gia súc, gia cầm bốc mùi hôi thối nhưng qua công đoạn sơ chế, tẩm ướp gia vị bỗng “lột xác” thành đặc sản. Vì khuất mắt nên người tiêu dùng vẫn tiêu thụ, không quan tâm nhiều đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, các lò giết mổ gia súc, gia cầm chui này đã và đang ngấm ngầm đầu độc người dân, dù rằng phía cơ quan chức năng vẫn ngày đêm căng mình gác cửa thực phẩm bẩn tràn vào TPHCM.
Lò giết mổ heo lậu trên địa bàn huyện Bình Chánh bị lực lượng liên ngành ập vào kiểm tra, bắt quả tang.
Kiểm tra đâu, phát hiện đó
TPHCM có 4 trạm kiểm dịch động vật, gồm: Thủ Đức, An Lạc, Hóc Môn, Xuân Hiệp. Các trạm này có nhiệm vụ gác cửa hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn vào thành phố. Nhưng, qua kiểm tra, đánh giá của lực lượng liên ngành chức năng, gia súc, gia cầm lậu vẫn ngang nhiên lọt lưới. Chỉ cần rảo một vòng tại các điểm “nóng” chuyên doanh gia súc, gia cầm lậu (chó, chim, gà, vịt…) trên địa bàn TPHCM, dễ thấy không khí bán buôn tại đây khá nhộn nhịp. Cụ thể như tuyến quốc lộ 22 đoạn qua cầu An Hạ (khu vực giáp ranh huyện Hóc Môn - Củ Chi); tuyến quốc lộ 1A (giáp ranh huyện Bình Chánh, TPHCM với tỉnh Long An); dọc tỉnh lộ 10 (đoạn từ huyện Bình Chánh đi Long An); đại lộ Nguyễn Văn Linh (giáp ranh huyện Bình Chánh - quận 7)… để né lực lượng liên ngành, nhiều tay buôn lậu chuyển từ hoạt động ban ngày sang chiều tối.
Thống kê của Chi cục Thú y TPHCM cho thấy, 9 tháng đầu năm 2014 đã phát hiện, tiêu hủy trên 14 tấn thịt các loại (trâu, bò, dê, heo, gia cầm…); xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,5 tỷ đồng. Trong số đó, vi phạm nhiều nhất gồm vận chuyển hàng hóa không giấy chứng nhận kiểm dịch, không hóa đơn chứng từ… Vụ gần đây nhất, ngày 1-10, Đoàn liên ngành thú y Bình Chánh đã tiêu hủy trên 1 tấn chà bông gà tại địa chỉ F7/1C, ấp 6, xã Vĩnh Lộc B. Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang sản xuất chà bông gà có tổng trọng lượng 1.102kg. Sản phẩm màu vàng sậm, để trong các khay nhôm đặt trực tiếp trên nền nhà dơ bẩn; chó, mèo chạy qua lại. Một số chậu đựng thịt gà màu vàng tươi, ruồi nhặng bu kín, bốc mùi hôi thối. Trên nền nhà, sau vườn, vương vãi các bao ni lông chứa phụ gia, hóa chất độc hại không được phép sử dụng (đường sodium cyclamate) để chế biến thực phẩm. Chủ hàng Đỗ Thị Tân, quê Thanh Hóa, khai nhận, chà bông được bỏ mối cho các điểm bán bánh mì thịt, xôi mặn trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, TPHCM.
Dựa vào lời khai chủ lô hàng chà bông gà “bẩn”, chúng tôi tìm cách tiếp cận một số điểm kinh doanh thức ăn hè phố tại khu vực vùng ven, trước cổng trường học trên địa bàn TPHCM. Các điểm như: trước cổng Trường THPT Trưng Vương (đối diện Thảo Cầm viên Sài Gòn, quận 1); Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), đường Nhật Tảo (quận 10)… Ghi nhận bằng cảm quan, phần lớn điểm bán “di động”, nguyên liệu chà bông (gà hoặc heo), xá xíu, lạp xưởng… có màu sắc bắt mắt, giá bán rẻ bèo. Một cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM nhận định, rất có thể thức ăn làm sẵn được tẩm ướp nhiều loại phẩm màu, hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc để tăng lợi nhuận.
Mức xử phạt chưa đủ răn đe
|
Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trạm trưởng Trạm Thú y Bình Chánh, TPHCM, địa bàn huyện khá rộng, nhiều xã giáp ranh với tỉnh Long An, nên những tay buôn lậu cũng thường xuyên trà trộn, vận chuyển, giết mổ lậu gia súc, gia cầm. Phần đông đối tượng này từ địa phương khác đến tạm trú, hành nghề. Sản phẩm sau giết mổ được đẩy bán cho các chợ truyền thống, quán ăn… tại TPHCM tiêu thụ. Trong quá trình theo dõi, bắt quả tang, có những đối tượng vi phạm 3 - 4 lần. Cơ quan chức năng gửi thông báo về địa phương xử lý theo quy định nhưng vài tháng sau, cán bộ trạm thú y lại bắt gặp đối tượng từng vi phạm này đang hành nghề tại địa điểm mới.
Xâu chuỗi lại vấn đề, dễ thấy, không phải ngẫu nhiên thịt thối, thịt bẩn được tuồn vào thành phố, lên bàn ăn nhưng rất khó bị phát hiện. Bởi thực tế, đằng sau đó là sự tiếp tay của hóa chất, phụ gia hương liệu bày bán trôi nổi trên địa bàn TPHCM. Thông tin đánh giá từ Hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuyên môn hóa chất, vừa diễn ra ngày 30-9 tại TPHCM, hiện chỉ có khoảng 143/401 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện. Đáng chú ý, qua một số lần bắt quả tang các lò giết mổ, chế biến thịt thối, các đối tượng vi phạm khai nhận với lực lượng liên ngành thú y rằng có sử dụng hóa chất công nghiệp để kích trắng thực phẩm. Quả thực, nếu người dân vô tình sử dụng các sản phẩm này, hiểm họa khó lường. Tâm sự của ông T. (quê Hà Nam), một người có thâm niên chuyên chở heo, gà lậu qua địa bàn TPHCM, khiến người nghe giật mình: “Gia súc, gia cầm thối chỉ cần đánh hóa chất, hương liệu là thơm ngon như mới. Thời gian gần đây, thịt bẩn bị kiểm tra dữ quá nên cánh nhà xe dè chừng. Thay vì chuyên chở số lượng lớn, nhiều lái xe chỉ nhận hàng nhỏ lẻ. Cũng có không ít hàng dạt từ các chợ truyền thống được tiểu thương ướp hóa chất, bán lại cho các quán ăn bình dân để kiếm chút lời”.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên nhận định: “Việc xử phạt các đối tượng giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm lậu hiện nay chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa. Để đối phó, các đối tượng buôn lậu thường vứt hàng, bỏ trốn gây khó cho công tác kiểm tra, xử phạt. Hơn nữa, đối với những trường hợp này, Trạm Thú y phải bỏ tiền túi chi cho các khoản kiểm dịch, tiêu hủy…”.
Thịt bẩn đã, đang âm thầm gây họa cho sức khỏe người dùng, nhưng không ít “thượng đế” vẫn lờ đi, nhắm mắt tiêu thụ. Ngoài việc người dân chủ động cảnh giác, bảo vệ bản thân, gia đình trước sự “tấn công” của thực phẩm bẩn; thì phía cơ quan chuyên trách cũng cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để đánh bật hàng bẩn.
GIA HÂN