Theo thống kê chưa đầy đủ, thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng mỗi năm, làm thiệt hại nghiêm trọng tới ngành sản xuất thuốc lá trong nước. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Chiêu trò tinh vi
Đường Trường Chinh (đoạn qua quận 12), Quốc lộ 22 (đoạn qua Củ Chi, Hóc Môn), chợ Học Lạc (quận 5)… đã và đang là những điểm nóng kinh doanh thuốc lá nhập lậu. Liên tiếp trong 2 ngày cuối tuần, chúng tôi ghi nhận dọc tuyến đường sát chân cầu Tham Lương (quận 12) luôn có 3-4 người ngồi bán nhiều thương hiệu thuốc lá ngoại nhập. Cao điểm, có hàng chục người đổ ra bán. Nơi này vốn là trạm dừng xe buýt, nên không ít đối tượng tranh thủ khi xe dừng đón, trả khách nhào tới chèo kéo, chào hàng thuốc lá đặt trong các rổ nhựa. Có người cảnh giới từ xa nên khi nhác thấy bóng dáng cơ quan chức năng, những người buôn bán này ôm hàng chạy mất dạng.
QLTT TPHCM bắt giữ lô thuốc lá nhập lậu
Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 7-12-2012 quy định, các đối tượng vận chuyển từ 1.500 bao thuốc lá trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để né luật, các đối tượng buôn lậu chia nhỏ số lượng hàng hóa để vận chuyển; cải trang thành học sinh, sinh viên, người lao động nghèo để tuồn thuốc lá lậu vào thành phố… Thực tế kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều đối tượng vận chuyển 1.499 gói (thiếu 1 gói là đủ truy cứu trách nhiệm hình sự) nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính, không thể bắt giữ.
Đáng chú ý, hiện nay, song song với chẻ nhỏ hàng hóa cho dễ bề tiêu thụ, các tay buôn lậu thường xuyên tung ra thị trường các sản phẩm không in hình cảnh báo nguy hiểm. Tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BCT-BYT ban hành ngày 8-2-2013, các sản phẩm thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu kể từ ngày 1-5-2013 được tiêu thụ trong nước buộc phải in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. Theo quy định này, thời điểm tháng 1-2014, các doanh nghiệp đã chính thức triển khai, áp dụng. Sản phẩm thuốc lá in cảnh báo sức khỏe bằng chữ trước đó không được xem là hợp pháp. Tuy vậy, quy định là một chuyện, còn thực hiện lại là chuyện khác. Bằng chứng, thị trường vẫn tiêu thụ lượng lớn thuốc lá ngoại nhập không in hình ảnh cảnh báo sức khỏe hoặc cảnh báo sức khỏe bằng tiếng nước ngoài.
Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, tính riêng trong quý 3-2014, các đội QLTT tạm giữ trên 195.000 bao thuốc lá nhập lậu, 116 xe gắn máy và 4 ô tô là tang vật vi phạm. Trong số này, có vụ vận chuyển 5.000 bao thuốc lá nhập lậu bằng xe tải từ kho hàng 270 Võ Văn Kiệt (P.3, Q.6). Gần đây, cuối tháng 9-2014, Đội QLTT Bình Chánh cùng lực lượng liên ngành phát hiện, chặn đứng vụ vận chuyển gần 12.000 bao thuốc lá nhập lậu bằng xe hơi của tài xế quê Long An vào TPHCM. Vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Đáng chú ý, không phải vụ kiểm tra, bắt quả tang vi phạm nào cũng thành công, ngược lại, phần lớn chủ hàng “bỏ của chạy lấy người”, gây khó khăn cho lực lượng chuyên trách trong quá trình điều tra, xử phạt.
Tăng kiểm tra, xử lý
Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam thông tin, tại Việt Nam, các điểm “nóng” buôn lậu thuốc lá gồm Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, thuốc lá không in hình ảnh cảnh báo được bán khá nhiều. Người sử dụng có cảm giác ghê rợn đối với bao thuốc lá in hình cảnh báo sức khỏe nên chủ động tìm loại thuốc lá cảnh báo bằng chữ, hoặc không in hình cảnh báo. Chính điều này đã đẩy thuốc lá lậu, thuốc lá không phù hợp quy định (không in hình cảnh báo, cảnh báo bằng chữ…) tăng giá từ 30-50%.
Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, diễn biến tình hình thuốc lá nhập lậu ở nước ta khá phức tạp, có xu hướng lan rộng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, thay vì tập trung tại khu vực miền Tây như trước. Ngoài các loại thuốc lá nhập lậu “truyền thống”, thị trường đã xuất hiện hàng loạt loại thuốc lá nhập lậu giá rẻ, thương hiệu lạ. Lợi nhuận kếch xù từ buôn lậu thuốc lá khiến các con buôn mờ mắt, không bỏ qua bất kỳ thủ đoạn nào.
Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu của tình trang buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá nhập lậu… do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt. Ngoài ra, buôn lậu thuốc lá đem lại lợi nhuận lớn hơn so với các mặt hàng khác; chế tài xử phạt chưa mang tính răn đe; công tác tuyên truyền chưa tạo được sự đồng thuận… cũng dẫn đến gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá. Để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công thương… tăng cường kiểm tra, kết hợp các lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu thuốc lá để xử lý theo quy định. Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, cho rằng, cuộc chiến chống buôn lậu sẽ còn kéo dài, nhiều khó khăn, thử thách. Lực lượng QLTT tiếp tục ngày đêm kiên trì theo dõi, đeo bám, nhanh chóng đưa các đối tượng buôn bán, kinh doanh phạm pháp ra chịu tội trước pháp luật.
Thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết do các bệnh có liên quan hút thuốc lá. Thực tế, hút thuốc lá có cảnh báo đầy đủ, nhập theo đường chính ngạch cũng vô cùng nguy hại, chưa nói đến các loại thuốc lá nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Một số nghiên cứu chưa đầy đủ cảnh báo, số người chết do các bệnh có liên quan hút thuốc lá sẽ gia tăng trong thời gian tới, nếu người dân tiếp tục “bắt tay” tiêu dùng thuốc lá trôi nổi như hiện nay.
Từ đầu năm 2014 đến nay, QLTT cả nước thu giữ trên 1 triệu bao thuốc lá điếu nhập lậu; thu giữ khoảng 10 ô tô, hơn 400 xe máy, hàng chục ghe, xuồng các loại; chuyển cơ quan công an khởi tố hơn 20 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 14 tỷ đồng. Từ đầu năm 2013 tới nay, 100 đối tượng buôn lậu thuốc lá đã bị xử lý hình sự và bị phạt tù. |
THI HỒNG