Báo SGGP ngày 2-1-2014 có bài Khuyến mãi giảm giá ảo đã phản ánh chính xác một thực tế: Vào dịp cuối năm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi giảm giá nhằm thu hút khách hàng, tuy nhiên nhiều khi tùy tiện, không đúng cam kết, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho lớn, các doanh nghiệp tìm mọi biện pháp để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, biện pháp kích cầu tiêu dùng bằng chiêu thức khuyến mãi được áp dụng phổ biến như “mua một, tặng một”, mua sản phẩm này tặng kèm sản phẩm khác, giảm mạnh giá hàng hóa... Các hình thức khuyến mãi này nếu thực hiện theo đúng tiêu chí đề ra thì ít nhiều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Nhiều khách hàng đón nhận niềm vui khi sử dụng bia, nước ngọt lại trúng phần thưởng giá trị, cá biệt có người trúng cả ô tô, xe máy; khách hàng trẻ em mua bánh, kẹo, sữa được nhận quà tặng là đồ chơi đính kèm; các khách hàng mua thiết bị điện máy được tham dự chương trình quay số trúng thưởng...
Tuy vậy, xung quanh các hoạt động khuyến mãi cũng có nhiều chuyện đáng ngờ. Nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng hàng hóa nằm trong chương trình khuyến mãi và các quà tặng kèm theo không bảo đảm. Một số doanh nghiệp làm ăn gian dối dùng hàng phế phẩm, hết hạn sử dụng để đưa ra khuyến mãi. Có khách hàng mua phải bánh kẹo chảy nước, đồ hộp quá hạn bị tẩy sửa hạn sử dụng, đồ điện tử bị thay thế phụ kiện.
Hoạt động khuyến mãi không chỉ diễn ra ở các TP, mà tràn cả về khu vực nông thôn. Nhiều hội chợ thương mại đưa đến chợ quê thu hút khách hàng thông qua các chương trình mua hàng giá rẻ, bốc thăm trúng thưởng. Thế nhưng không ít người bị mắc lừa vì quá tin tưởng những lời quảng cáo đường mật. Các thiết bị gia dụng như chảo, nồi đa năng, dao, máy tập thể dục, máy hút bụi, máy đuổi muỗi… không phát huy công dụng như lời quảng cáo rùm beng. Hàng hóa đưa ra khuyến mãi nhập nhằng về nguồn gốc, xuất xứ, mập mờ về giá cả, lẫn lộn về chất lượng. Một số mặt hàng thiết yếu đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày như dầu gội đầu, bột giặt, kem đánh răng, nước chấm, nước rửa bát thường trà trộn hàng giả với hàng thật hoặc đội lốt của các thương hiệu uy tín.
Do buông lỏng công tác quản lý nên vẫn có nhiều chương trình khuyến mãi thực hiện không đúng cam kết với khách hàng. Thậm chí nhiều đơn vị, doanh nghiệp đưa ra những lời thông báo hết sức mập mờ, khó hiểu để trốn tránh trách nhiệm với khách hàng. Chẳng hạn “chương trình kéo dài đến khi hết quà tặng”, vậy người tiêu dùng khó lòng biết được quà tặng hết lúc nào để mà đòi hỏi? Các hoạt động chăm sóc khách hàng, bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì thiếu chu đáo. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường cần kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt những hành vi sai trái.
LƯƠNG SƠN (quận Tân Bình, TPHCM)