Ngăn cháy nhà dân, cách nào?

Trong khi công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh chưa được pháp luật quy định cụ thể thì ý thức phòng ngừa cháy nổ của nhiều hộ gia đình tại TPHCM cũng đang rất kém.
Cảnh sát PCCC dập lửa tại nhà ở kết hợp kinh doanh hoa vải ở quận 6
Cảnh sát PCCC dập lửa tại nhà ở kết hợp kinh doanh hoa vải ở quận 6
Các tồn tại, hạn chế này đã và đang làm gia tăng số vụ cháy nhà dân, đẩy con số thiệt hại về người lên mức báo động. Chính quyền địa phương, ngành chức năng làm gì để ngăn chặn? 
Số người chết tăng đột biến 
Thống kê của Cảnh sát PCCC TPHCM cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 576 vụ cháy, làm chết 20 người (tăng 18 người so với cùng kỳ năm 2016). Trong số này, cháy nhà dân chiếm gần 50% tổng số vụ. Đáng lưu ý, hầu hết số người tử vong do cháy nằm trong các vụ cháy nhà dân. Qua công tác khám nghiệm hiện trường các vụ cháy nhà gây hậu quả nghiêm trọng gần đây, như vụ cháy trại hòm (quận Bình Tân làm chết 4 người), cháy nhà ở kết kinh doanh đồ cưới trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12)… Cảnh sát PCCC TP cho biết, nguyên nhân gây cháy chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của người dân, trong đó có việc sử dụng điện không an toàn, ý thức chấp hành các quy định về PCCC của người dân, nhất là những hộ gia đình vừa sử dụng nhà để ở vừa kinh doanh còn hạn chế. 
Ngoài ra, theo Cảnh sát PCCC TPHCM, nguyên nhân cơ bản khác gián tiếp làm gia tăng vụ số vụ cháy nhà dân xảy ra trong thời gian qua là công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh chưa được pháp luật quy định. Theo Luật PCCC, nhà ở kết hợp kinh doanh và sản xuất không thuộc sự quản lý, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC. Điều này là bất cập, tồn tại lớn trong công tác phòng cháy, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Bởi thực tế, tại các nhà ở kết hợp kinh doanh thường tồn tại, phát sinh các vi phạm về PCCC như: mắc điện không an toàn; sắp xếp, bố trí hàng hóa che kín lối thoát hiểm; không trang bị thiết bị chữa cháy… 
Do không bị các chế tài như xử phạt hành chính, đình chỉ kinh doanh nên các hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh vi phạm… không lo; từ đó, vi phạm ngày càng phát sinh nhiều và hỏa hoạn tăng cao là điều tất yếu. Bên cạnh đó, các hộ gia đình vừa sử dụng nhà ở vừa kinh doanh cũng không mặn mà quan tâm đến các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức PCCC, đặc biệt là các phương án thoát nạn trong đám cháy do Cảnh sát PCCC tổ chức hướng dẫn. Do đó, hậu quả về người ở các vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh thường rất nghiêm trọng.
Còn bất cập, hậu quả còn nghiêm trọng
Giải pháp nào để ngăn chặn sự cố, tai nạn hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra ở nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh? Tại hội nghị sơ kết về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TPHCM, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, cho biết tới đây Cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với các quận huyện, phường xã đầu tư xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ theo hướng chuyên nghiệp hóa: nghiệp vụ cao hơn, trang bị nhiều thiết bị chữa cháy hơn… để nâng cao hiệu quả trong việc chữa cháy, nhất là ở các vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh. Khi lực lượng chữa cháy tại chỗ xử lý nhanh, kịp thời, không để lửa cháy lan, cháy lớn thì hậu quả để lại sẽ được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngọn; về lâu dài, đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM kiến nghị các quận huyện cần rà soát, thống kê, đánh giá lại công tác PCCC tại nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh, để từ đó có giải pháp ngăn chặn phù hợp. 
Cảnh sát PCCC TPHCM kiến nghị Bộ Công an sớm xây dựng tiêu chí quản lý đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; TP cần có quy chế đặc thù, chẳng hạn như bắt buộc nhà ở kinh doanh phải lắp hệ thống cảnh báo cháy, trang bị bình chữa cháy, đảm bảo hệ thống điện an toàn. Trong khi đó, lãnh đạo một số Phòng cảnh sát PCCC quận huyện (trực thuộc Cảnh sát PCCC TPHCM) đề nghị, trong khi luật chưa quy định việc xử lý các nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh vi phạm PCCC thì địa phương, tổ chức đoàn thể (Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, công an khu vực…) phải phát huy hơn nữa vai trò giám sát, theo dõi; nâng cao, mở rộng, đa dạng các hình thức tuyên truyền để người dân, các hộ kinh doanh ý thức hơn trong việc PCCC. Thực tế trên cho thấy tình hình cháy nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh ở TPHCM đã và đang diễn biến phức tạp, hậu quả để lại rất đáng lo ngại. Nhiều người cho rằng, UBND TPHCM và Bộ Công an sớm có giải pháp căn cơ để tháo gỡ các bất cập, tồn tại. Bởi một khi nguy cơ cháy nổ ở nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh còn tồn tại, các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng hẳn sẽ còn xảy ra.
Để ngăn chặn sự cố hỏa hoạn, cháy nổ tại các khu dân cư đông đúc, nhiều nhà xập xệ, nhà ở kết hợp kinh doanh tạp hóa, quán ăn, bán hàng điện tử, vải, quần áo… Đoàn Thanh niên Cảnh sát PCCC TPHCM vừa phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TPHCM tổ chức thực hiện giải pháp phòng cháy thiết thực với các nội dung: khảo sát, tư vấn, tuyên truyền người dân sử dụng điện an toàn; cải tạo, bó gọn hệ thống điện và lắp đèn chiếu sáng ở các tuyến hẻm; tập huấn kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy; cách sử dụng gas an toàn; tặng thiết bị chữa cháy…  

Tin cùng chuyên mục