Giải cứu các thành viên
Theo AFP, EU trong tuần này sẽ phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm cho Bồ Đào Nha theo cơ chế Ổn định tài chính châu Âu (EFSM). Đây là một phần trong tổng số 27 tỷ EUR EU dành riêng cho Bồ Đào Nha và Ireland và nằm trong tổng số 78 tỷ EUR quỹ cho vay 3 nước Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
Dự kiến, tổng số tiền phát hành trái phiếu đợt này là 7 - 10 tỷ EUR. Ngày 12-9, IMF đã công bố cho Bồ Đào Nha vay 3,98 tỷ EUR. Bồ Đào Nha đã thực hiện nghiêm các điều kiện vay vốn nhưng nền kinh tế nước này trong quý 2-2011 đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2010 và dự báo trong năm 2011, kinh tế nước này sẽ giảm 2,2%.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti đã có cuộc đàm phán với lãnh đạo Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) tại Rome. Cuộc đàm phán xoay quanh khả năng CIC mua trái phiếu của Italia. Trung Quốc đang muốn đa dạng khoản tiền dự trữ bằng USD và muốn đầu tư vào các lĩnh vực thời trang và thiết kế nhà ở, lĩnh vực mạnh của Italia. Trong khi Itallia đang muốn giảm gánh nặng nợ công.
Nguy cơ Hy Lạp có thể bị mất khả năng thanh toán đã gây áp lực lớn đối với các ngân hàng châu Âu. Tổng Giám đốc Tập đoàn tái bảo hiểm SCOR, lại cho rằng, nguy cơ Eurozone tan rã có thể trở thành hiện thực. Cũng đề cập đến nguy cơ phá sản tại Hy Lạp, các nhật báo Le Figaro và Le Monde (Pháp) đều có bài viết về cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone.
Theo các báo trên, tuần lễ này là thời điểm mang tính quyết định đối với các ngân hàng châu Âu nói chung và ngân hàng Pháp nói riêng. Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ ngồi lại với nhau để có thể “bật đèn xanh” cho đợt giải ngân 8 tỷ EUR tiếp theo cho Hy Lạp.
Vật vã tìm hướng giải quyết
Thông tin này dấy lên tin đồn cơ quan thẩm định tài chính Moody’s chuẩn bị hạ điểm tín nhiệm 3 ngân hàng lớn của Pháp là BNP Paribas, Crédit Agricole và Société Générale - các chủ nợ chính của Hy Lạp.
Hiện chưa thể khẳng định liệu các chính phủ có ra tay cứu vớt ngân hàng như hồi năm 2008 hay không. Nhưng theo các nhà phân tích, trở ngại trước tiên đối với các ngân hàng là nguy cơ thiếu tiền mặt trầm trọng, khi các nhà đầu tư ngày càng ngại bỏ tiền vào thị trường chứng khoán. Tiếp theo, nguy cơ thua lỗ do sự giảm tốc của nền kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ công, trước mắt là nợ công của Hy Lạp. Một trong những khó khăn không thể không kể đến, một số chính phủ châu Âu sẽ rất khó gánh vác thêm khi các món nợ của ngân hàng đã gần như tương đương với GDP.
Các bộ trưởng tài chính châu Âu đang chia rẽ về việc giải quyết những trở ngại đối với gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp đã được đồng ý về nguyên tắc vào tháng 7 vừa qua. Việc ông Juergen Stark, một thành viên Hội đồng quản trị ECB, người phản đối ngân hàng này mua trái phiếu của các nước đang mắc nợ, từ chức cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong ECB. Ngoài ra, cuộc họp cuối tuần qua của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) đã không đưa ra một kết luận cụ thể nào để cứu Eurozone.
Khánh Minh tổng hợp