Ngân hàng điện tử với nhiều tính năng ưu việt đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. Trước xu hướng này, các ngân hàng Việt ngày càng tập trung đầu tư vào công nghệ, phát triển các tiện ích, đưa ngân hàng điện tử thực sự đi vào đời sống, nhằm chinh phục tiềm năng to lớn của thị trường.
Điện tử hóa ngân hàng
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho hay, khoảng 22% dân số Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng; 42 triệu thẻ ATM đã được phát hành (trong đó 94% thẻ nội địa và 6% thẻ quốc tế); 13.500 cây ATM, trên 500.000 ví điện tử. Việt Nam được xem là một thị trường tiềm năng lớn cho việc phát triển ngân hàng điện tử, một sản phẩm tài chính công nghệ cao.
Dịch vụ trọn gói ngân hàng điện tử (e-banking) bao gồm ngân hàng trực tuyến (qua internet); ngân hàng di động (qua điện thoại di động) và dịch vụ truy vấn thông tin Homebanking (qua email; tin nhắn điện thoại) ngày càng được nhiều người sử dụng bởi mang lại lợi ích lớn và rất dễ thực hiện. Đơn giản, chỉ cần vào trang web của ngân hàng bằng máy tính hoặc smartphone, nhập User ID và password, rồi thực hiện theo hướng dẫn cụ thể trên màn hình là người dùng có thể sử dụng hầu hết các dịch vụ ngân hàng.
Dịch vụ ngân hàng điện tử là giải pháp lý tưởng cắt giảm thời gian và gánh nặng thủ tục cho khách hàng. Anh Quang Minh, Giám đốc một công ty Xuất-Nhập khẩu, chia sẻ: “Có máy tính nối mạng hay smartphone bên mình là giờ đây như mang theo một ngân hàng thu nhỏ. Không cần đến tận chi nhánh mà ở bất kỳ ở đâu, tại nhà, văn phòng, hoặc trong lúc chờ ở sân bay, tôi có thể thanh toán hóa đơn, dịch vụ, chuyển khoản nội mạng, nạp tiền di động trả trước, truy vấn số dư tài khoản… Tất cả các giao dịch với ngân hàng được cập nhật ngay bằng tin nhắn điện thoại. Thật yên tâm và vô cùng tiện lợi!”.
Chinh phục thị trường
Theo báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2012, có trên 30 ngân hàng tham gia triển khai Internet Banking, tăng gấp 10 lần so với cuối năm 2004. Mobile Banking xuất hiện từ năm 2003 nhưng hầu hết các ngân hàng chỉ sử dụng kênh SMS để cung cấp dịch vụ này với chức năng truy vấn thông tin tài khoản. Ví điện tử được 20 ngân hàng triển khai với giá trị giao dịch khoảng vài trăm tỷ đồng/năm.
Thực tế triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử cho thấy các ngân hàng Việt Nam đang đi theo xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng thế giới. Tuy nhiên, mức độ triển khai sâu và rộng đến đâu phụ thuộc vào chiến lược và tiềm lực của từng ngân hàng. Mọi dịch vụ của ngân hàng điện tử đều gắn liền với yếu tố công nghệ, đòi hỏi ngân hàng có sự đầu tư lớn và liên tục vào cơ sở vật chất, đồng thời có đội ngũ nhân lực có trình độ.
Trong khối ngân hàng TMCP, Techcombank có thể được coi là ngân hàng tiên phong phát triển ngân hàng điện tử. Dự án “Phát triển Thương mại điện tử với F@st - eCOM” của Techcombank đã bắt đầu được triển khai từ tháng 5 năm 2007, với mục tiêu phát triển các kênh giao dịch thay thế nhằm đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ khách hàng và cung cấp tất cả các sản phẩm dịch vụ cơ bản của ngân hàng cho khách hàng trong thời gian ngắn nhất, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Techcombank đã đầu tư xây dựng mạng lưới rộng khắp cả nước, mở rộng kết nối với các liên minh thanh toán thẻ, và kết nối với trên 12.000 máy ATM trong hệ thống BankNet, Smartlink, và hơn 2.000 điểm chấp nhận thẻ trong cả nước. Ngân hàng cũng liên tục phát triển, cải tiến các sản phẩm, dịch vụ giao dịch qua mạng cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp như F@st i-Bank, F@st e-Bank hay trên điện thoại như F@st MobiPay, SMS để tối đa hóa tiện ích và lợi ích cho khách hàng.
Ngày 7-12 vừa qua, Techcombank vừa trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng eAsia Awards 2013 “Giải pháp thương mại điện tử nhằm thu hẹp khoảng cách số”, do Hội đồng châu Á - Thái Bình Dương về Thuận lợi hóa thương mại và Kinh doanh điện tử (AFACT) trao tặng. Đây là sự ghi nhận của giới chuyên môn và cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực trong việc nghiên cứu, cải tiến dịch vụ thanh toán về các kênh giao dịch điện tử của ngân hàng Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, tập trung vào các giải pháp thương mại điện tử không chỉ là một cách làm khôn ngoan mà còn là việc tất yếu, khi xã hội Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới và nhu cầu của người dân về dịch vụ ngân hàng chất lượng cao cũng đồng thời tăng lên.
HOÀNG THÁI