Ngân hàng máu đạt chuẩn GMP: Người bệnh hưởng lợi

Sau hơn 5 năm nỗ lực với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, mới đây Ngân hàng máu - Bệnh viện (BV) Truyền máu Huyết học TPHCM vừa đạt chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt chuẩn châu Âu). Để hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn cũng như ý nghĩa của việc chứng nhận ngân hàng máu đạt chuẩn, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng , Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TPHCM.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng , Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TPHCM.
 * PHÓNG VIÊN: Thưa bác sĩ, tiêu chuẩn GMP là gì và việc đạt chứng nhận tiêu chuẩn này có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động của BV?

- Bác sĩ chuyên khoa 2 PHÙ CHÍ DŨNG: GMP thiết lập các quy trình chuẩn và bắt buộc nhân viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này ở tất cả các giai đoạn: từ vận động người hiến máu, lấy máu, vận chuyển máu, điều chế, lưu trữ và cấp phát máu đến người bệnh.

Cơ sở đạt chuẩn GMP chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của tổ chức nước ngoài. Việc tuân thủ GMP sẽ đảm bảo chế phẩm máu đạt chất lượng, an toàn về miễn dịch và các bệnh lây qua đường truyền máu như HIV, viêm gan B, C, giang mai...; an toàn cho người bệnh, cho nhân viên ngân hàng máu và cho người hiến máu tình nguyện.

Bên cạnh đó, thường quy máu toàn phần sau khi được thu nhận từ người hiến máu phải được bảo quản và vận chuyển nghiêm ngặt đến ngân hàng máu, sau đó ngân hàng máu sẽ dùng các thiết bị hiện đại để ly tâm, chiết tách ra các thành phần như hồng cầu lắng (truyền cho người thiếu máu), tiểu cầu (truyền cho người bệnh bị xuất huyết, chảy máu do giảm tiểu cầu hay bị nhược năng tiểu cầu), kết tủa lạnh và huyết tương tươi đông lạnh (truyền cho người bệnh có rối loạn đông máu).

Đối với các nước đang phát triển, người bệnh rối loạn đông máu như bệnh ưa chảy máu (hemophilia A, hemophilia B) được truyền các chế phẩm kết tủa lạnh, huyết tương đông lạnh.

Trong khi đó, ở các nước phát triển, người bệnh được truyền các chế phẩm Albumin, Gama Globulin, các yếu tố đông máu như yếu tố XIII, yếu tố IX... được điều chế từ chính chế phẩm huyết tương (mà hiện nay Việt Nam chưa làm được).

Hiện nay, tại Ngân hàng máu BV Truyền máu Huyết học TPHCM, hầu hết huyết tương tươi từ máu toàn phần đều được điều chế kết tủa lạnh, huyết tương đông lạnh phục vụ nhu cầu điều trị, có thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu.

Vì vậy, khi đạt được GMP, Ngân hàng máu BV Truyền máu Huyết học TPHCM trong tương lai sẽ triển khai tiếp nhận huyết tương chiết tách từ nguồn người cho tình nguyện.

Nguồn huyết tương chiết tách này có thể dùng để trao đổi và nhận lại các sản phẩm điều trị trúng đích: yếu tố XIII, yếu tố IX, Albumin, Gama Globulin… điều trị hiệu quả cho người bệnh rối loạn đông máu theo quy định của Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế.

Ngân hàng máu đạt chuẩn GMP: Người bệnh hưởng lợi ảnh 2 Nhân viên Ngân hàng máu - Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM đang phân loại máu

* Cụ thể việc trao đổi huyết tương này như thế nào, thưa ông?

- Nếu như trước đây, khi ngân hàng máu chưa đạt chuẩn GMP thì BV nhận nguồn máu hiến toàn phần (chứa hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương…) sẽ đem quay ly tâm, tách ra thành 3 chế phẩm máu gồm: hồng cầu lắng (điều trị cho bệnh nhân thiếu máu), tiểu cầu pool lọc bạch cầu (cho bệnh nhân chảy máu như sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu hay nhược năng tiều cầu…) và huyết tương tươi.

Riêng huyết tương tươi, ngân hàng máu tiếp tục điều chế ra thêm 2 chế phẩm máu cho người bệnh sử dụng là: kết tủa lạnh (chứa yếu tố VIII điều trị cho bệnh nhân máu khó đông - Hemophilia A) và huyết tương đông lạnh (chứa yếu tố IX, điều trị cho bệnh nhân máu khó đông nhóm Hemophilia B).

Nhưng 2 chế phẩm từ huyết tương tươi này thường chỉ dùng cho người bệnh nhẹ. Còn khi bệnh rơi vào tình trạng nặng như chảy máu ở những vị trí não, xuất huyết cơ vùng cổ, não, xuất huyết đường tiêu hóa, vùng bẹn thắt lưng chậu, hoặc những người có nồng độ chất ức chế cao... buộc phải sử dụng các chế phẩm yếu tố VIII, yếu tố IX làm từ huyết tương nhập khẩu với giá thành cao mà chưa được sản xuất trong nước. Ngoài ra, các sản phẩm yếu tố XIII, yếu tố IX, Albumin, Gama Globulin được cô đặc trong lọ, tiện lợi khi sử dụng, thậm chí có thể sử dụng tại nhà. 

Việc ngân hàng máu đạt chuẩn GMP chỉ mới chứng nhận cho chất lượng nguồn máu và các quy trình từ tiếp nhận máu, vận chuyển, lưu trữ, cấp phát của ngân hàng máu Việt Nam an toàn như các ngân hàng máu ở các nước phát triển, chứ không có nghĩa ngân hàng máu của BV Truyền máu Huyết học TPHCM sản xuất được các chế phẩm chứa yếu tố VIII, yếu tố IX, Albumin, Gama Globulin như các nước.

Bởi vì, để điều chế được các chế phẩm này cần có nhà máy sản xuất không thuộc ngân hàng máu. Hiện nay, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất được các chế phẩm này, nên ngân hàng máu đạt GMP của BV trong tương lai sẽ triển khai tiếp nhận huyết tương chiết tách từ nguồn người cho tình nguyện và chuyển nguồn huyết tương đạt chuẩn sang nhờ các nước châu Âu “gia công” để có các chế phẩm chứa yếu tố VIII, yếu tố IX, Albumin, Gama Globulin, rồi chuyển về lại cho người bệnh Việt Nam sử dụng. Trước đây khi chưa có ngân hàng máu chuẩn châu Âu, các nước trên thế giới không nhận huyết tương thô từ Việt Nam.

* Vậy với việc ngân hàng máu đạt chuẩn GMP châu Âu, người bệnh được hưởng những lợi ích gì?

- Với chứng nhận GMP châu Âu, BV có thể hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chính sách GMP tại Việt Nam, hỗ trợ các trung tâm truyền máu trên cả nước xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. Chúng tôi muốn sản phẩm huyết tương đưa đi các nước “chế biến” thay, sẽ giảm được chi phí rất nhiều, thay thế dần sản phẩm nhập khẩu trong khi ở Việt Nam chưa có nhà máy để sản xuất chế phẩm đặc trị từ huyết tương.

Lúc này, chi phí điều trị cho người bệnh giảm xuống, ngân sách bảo hiểm y tế cũng đỡ nặng gánh hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là quyền lợi của người bệnh được sử dụng chế phẩm máu rẻ hơn, nguồn máu an toàn.

Tin cùng chuyên mục