Ngăn hành động xấu

 Dư luận xã hội đang rất bức xúc, hoang mang và lo lắng về tình trạng an ninh trật tự và an toàn xã hội... liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. 
Vụ việc chị Trần Thị Thanh, công nhân môi trường, chỉ vì nhắc nhở một số hộ kinh doanh trên địa bàn phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đổ rác không đúng quy định thì liền bị đối tượng Phạm Thị Bích Diệp (30 tuổi, ở 24 Hàng Muối, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng với chồng lao vào đánh đập ngất xỉu trên hè phố, khiến dư luận, cộng đồng xã hội không khỏi phẫn nộ trước hành vi côn đồ, coi thường pháp luật. Rõ ràng vụ hành hung người lao động ngay giữa trung tâm thủ đô không chỉ là lời cảnh báo về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, nhân cách con người mà còn là nỗi bất an trước tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống. 
Thực tế, dư luận xã hội và cộng đồng đang rất bức xúc, hoang mang và lo lắng về tình trạng an ninh trật tự và an toàn xã hội khi gần đây các vụ ẩu đả, thậm chí dùng hung khí đoạt mạng người khác liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Không ít người dân tại TPHCM vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc một nhóm côn đồ hung hãn mang mã tấu đâm chém loạn xạ một nhóm người đang ăn tối dưới chân cầu Chà Và (quận 5), trong đó có một bé trai mới 13 tuổi bị đâm chết, chỉ vì nhóm người này bênh vực một phụ nữ yếu thế.
Trở ra với khu miền Trung, dư luận đang rất phẫn nộ về hành vi bạo lực của một nhóm học sinh 11 người tham gia đánh hội đồng một nữ sinh lớp 9 của Trường THCS Phan Đình Phùng, TP Đông Hà, Quảng Trị, khiến nữ sinh này thủng màng nhĩ, phải nhập viện cấp cứu. Còn tại Thanh Hóa, tài xế taxi Lê Đình Triệu (30 tuổi, ở xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa) mặc dù chạy xe vào đường ngược chiều, vi phạm giao thông nghiêm trọng nhưng vẫn hùng hổ rút gậy sắt đòi lao vào ăn thua với người điều khiển xe đi đúng chiều. Đáng lo hơn, nhiều vụ ẩu đả giải quyết mâu thuẫn dân sự không chỉ xảy ra ngoài đường phố, hàng quán mà còn xuất hiện ngay cả trong trường học, bệnh viện, thậm chí là công sở, giữa những người có chức vụ cũng hành xử theo kiểu “luật rừng”. Mới đây nhất là vụ 2 đối tượng côn đồ xông vào Bệnh viện Thể thao Việt Nam hành hung bác sĩ Phạm Đình Vinh làm việc tại khoa Y học cổ truyền, sau đó còn bắt quỳ xin lỗi làm nhục vì cho rằng bác sĩ chẩn đoán sai. 
Theo điều tra của Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.400 vụ giết người và 6.500 vụ cố ý gây thương tích. Trong vòng 10 năm từ năm 2006 đến năm 2016, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra trên 79.000 vụ, 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực. Kết quả nghiên cứu tội phạm học cho thấy, tội phạm có sử dụng bạo lực, nhất là giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn trong đời sống, quan hệ gia đình... ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, chiếm hơn 70% số vụ. Nhiều vụ án xảy ra vì những mâu thuẫn hết sức đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày như va chạm giao thông, xích mích trong khi uống rượu bia, qua lời nói, cử chỉ... dẫn đến hành động nhất thời. Bên cạnh đó, tội hành hung, giết người do côn đồ càn quấy dù không nhiều nhưng đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận xã hội. Đối tượng gây ra những vụ án này thường là các thanh thiếu niên từ 16 đến 25 tuổi, ít học hoặc bỏ học, lười lao động, thiếu hiểu biết pháp luật nhưng thích thể hiện cá nhân, sử dụng bạo lực. 
Thực trạng bạo lực đang gia tăng trong xã hội khiến nhiều người buộc phải liên tưởng, suy nghĩ rằng cái ác đang lộng hành trong đời sống. Tệ hơn đó còn là sự thách thức pháp luật, chính quyền, xem thường sức khỏe và tính mạng người khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự hiếu chiến lên ngôi, bạo lực gia tăng, nhưng xét cho cùng vẫn là sự coi thường pháp luật, đề cao lợi ích cá nhân trên lợi ích của cộng đồng. Khi thấy lợi ích cá nhân của mình bị ảnh hưởng thì rất dễ nổi nóng, có hành vi bộc phát không kiềm chế, thậm chí sẵn sàng giành lại phần thắng hay lợi ích cho chính mình bằng mọi giá, kể cả vi phạm pháp luật. Trong khi đó, việc thực thi các quy định của pháp luật đối với các hành vi chưa đúng chuẩn mực, vi phạm pháp luật nhiều khi còn chưa nghiêm minh, nể nang, né tránh... đã dẫn đến tâm lý cho không ít người coi thường pháp luật, giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “tự xử”. Cùng với đó, việc giáo dục kiến thức xã hội, đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử giải quyết các vấn đề cho giới trẻ còn mang nặng hình thức, giáo điều nên khi gặp mâu thuẫn, không ít người chỉ biết ứng xử bằng bạo lực.
Rõ ràng để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực khỏi cuộc sống, cần tăng cường nhiều biện pháp, trong đó cần bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm. Bởi lẽ, pháp luật là yếu tố chuẩn mực cao nhất, giá trị quan trọng nhất mà mọi người dân phải tuân theo. Cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm túc, kịp thời, đúng người, đúng tội, mới đủ sức răn đe và trừng trị những hành vi bất chấp, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác, từ đó góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của các cá nhân trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, cần thay đổi việc giáo dục, chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho mọi người, nhất là đối với giới trẻ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục