Ngăn ngừa dịch bệnh sau lũ

Khẩn trương tổ chức công tác cứu trợ, tích cực khắc phục hậu quả và cấp bách không kém là giữ gìn môi trường vệ sinh an toàn cho người dân vùng lũ hiện nay. Khi lũ vừa rút, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công điện khẩn số 09 gửi UBND các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế các đơn vị trực thuộc bộ đề nghị triển khai ngay công tác khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Thực tế sau cơn lũ với ngổn ngang, tang thương, mất mát trong từng gia đình; họ gấp gáp lo cái ăn, dựng lại nhà, phục hồi sản xuất... rất khó kiểm soát được môi trường rộng hơn, nhất là môi trường công cộng. Riêng ở Quảng Bình, đã có hơn 2.000 con trâu bò, 27.000 lợn nuôi bị chết do lũ, gần 1 triệu con gia cầm bị lũ nhấn chìm. Một phần trong số đó, đang sình thối ở các ngõ ngách mà nước lũ đọng lại ven sông, ven ruộng, trong giếng nước...

Đặc biệt, gần 100% giếng nước ở các vùng lũ đi qua bị đọng bùn non dưới đáy giếng dày hàng mét. Xử lý một phần nước riêng lẻ để bà con tạm dùng còn được, chứ toàn bộ giếng phải đợi giếng cạn đi một phần lớn mới xử lý sạch bùn. Ở huyện Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) nước lũ ngập sâu nhiều ngày qua, hàng trăm xác súc vật chết nay gặp nắng lên, bốc mùi và thẩm thấu vào đất… khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Chỉ trong vòng 4 ngày sau lũ, ở các huyện vùng lũ Hà Tĩnh có gần 2.000 người mắc bệnh đỏ mắt, hàng nghìn người bị bệnh viêm da, nước ăn chân. Đó là chưa kể trước lũ, các tỉnh Bắc miền Trung đang bị dịch sốt xuất huyết hoành hành, nay có cơ hội bùng phát mạnh hơn. Tại Hải Lăng (Quảng Trị), Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) cùng với việc cứu trợ khẩn cấp lương thực, thuốc men cho các hộ gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi là việc phát thuốc tiêu độc khử trùng nhằm xử lý tất cả các giếng nước tại chỗ, phát thuốc cho người dân để điều trị bệnh về đường ruột, dịch tả...

Hà Tĩnh mấy ngày qua đã tập trung cho 2 huyện vùng lũ, hy vọng phục hồi cơ bản môi trường vệ sinh trong vòng một hai tuần đến. Còn Quảng Bình, chỉ với lực lượng tại chỗ thì “lực bất tòng tâm”. Bởi đợt lũ lịch sử này, gần như các huyện ở tỉnh Quảng Bình đều bị nước dâng ngập, việc dọn dẹp vệ sinh môi trường công cộng mấy ngày qua hầu hết dựa vào lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện... Do địa bàn quá rộng, nước lũ vẫn chưa rút hẳn nên tất cả chỉ phục hồi được một phần rất nhỏ. Hiện nay Quảng Bình đang cần được hỗ trợ nhân lực, chuyên môn, thuốc men ngăn ngừa ô nhiễm, dịch bệnh. Đang có các đoàn y tế Bộ Công an, công an tỉnh, Bệnh viện Quân khu 4… về hỗ trợ 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Nay cần lắm lực lượng thanh niên, y tế tình nguyện cả nước chung tay, đặc biệt cho các huyện vùng lũ tỉnh Quảng Bình, nhằm phục hồi vệ sinh môi trường, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh cho người dân. Bản thân từng địa phương từ thôn, xã, huyện... cần thành lập ngay các đội tình nguyện tại chỗ, kêu gọi toàn thể người dân làm vệ sinh nhà cửa, xung quanh thôn xóm. Chỉ khi có sự đồng lòng, chung sức của địa phương cộng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh thành trong cả nước, người dân vùng lũ mới đủ sức ngăn dịch bệnh sau lũ.

Trần Kha

Tin cùng chuyên mục