Ngàn quân, vạn mã chen cầu độc mộc

Mỗi năm, cứ đúng vào thời điểm này, truyền thông Trung Quốc lại hướng sự tập trung vào một sự kiện đặc biệt. Đó là cuộc thi công chức diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, với tính cạnh tranh ngày càng được đẩy lên cao. Năm nay, hơn 1,4 triệu người tham dự cuộc thi, gấp hơn 11 lần so với con số 120.000 năm 2004.

Những ngày cuối năm, Bắc Kinh được bao phủ bởi cái lạnh thấu xương. Nhưng hôm chủ nhật 5-12 vừa rồi, từ sáng sớm, hàng ngàn người chen chúc nhau chờ đến 2 giờ để được vào ứng thí. Ở ca thi sáng, họ phải làm bài trắc nghiệm về toán và logic. Buổi chiều, họ viết bài luận phân tích những vấn đề thời sự.

Về quy mô, kỳ thi này chỉ đứng sau kỳ thi đại học nhưng xét về tầm quan trọng, nó lớn hơn kỳ thi đại học rất nhiều. Kỳ thi công chức ở Trung Quốc được ví như “ngàn quân, vạn mã chen cầu độc mộc”, bởi tỷ lệ chọi lớn hơn cả kỳ thi đại học: trung bình là 1/90. Ngoài ra, có trên 10 vị trí tuyển dụng với tỷ lệ chọi lên tới 1/1.000, thậm chí cao hơn. Trong đó, vị trí Chuyên viên Phòng châu Âu của Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Khoa học - Kỹ thuật Trung Quốc kén người nhất tới 4.080 tham gia chỉ để 1 suất.

Thí sinh họ Mã, một sinh viên hạng ưu vừa tốt nghiệp, chia sẻ: “Kỳ thi này quá căng thẳng và áp lực, nhưng tôi vẫn đến đây để thử sức. Bố mẹ tôi sẽ rất vui nếu tôi có được một vị trí ổn định trong cơ quan nhà nước. Gia đình tôi muốn sống ở Bắc Kinh nhưng chi phí ở đây quá đắt đỏ, nhất là khoản thuê nhà. Nếu trở thành một công chức, mọi thứ sẽ được bảo đảm hơn”.

Thí sinh họ Liu đang làm ở một doanh nghiệp nước ngoài kể: “Mức lương hiện tại của tôi rất khá nhưng tôi nghĩ không quan trọng bằng một vị trí xã hội nhất định trong cơ quan nhà nước”.

Sức hút lớn nhất của một vị trí công chức nhà nước đối với người Trung Quốc hiện nay nằm ở hai nguyên nhân: thu nhập ổn định với chế độ phúc lợi tốt và tính ổn định cao. Bởi vì gần đây, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm, chú trọng đến chính sách phúc lợi về chính trị, kinh tế của công chức.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Nhân sự FESCO có đến 70% trong 356 công ty nước ngoài có chi nhánh ở Trung Quốc đã cắt giảm lao động trong 2 năm qua. Lúc này, người Trung Quốc mới ý thức được tầm quan trọng của sự ổn định trong công việc.

Ngày nay, người Trung Quốc bắt đầu có cách suy nghĩ khác về khái niệm “bát cơm sắt” (thành ngữ ở Trung Quốc chỉ một vị trí có công việc đảm bảo, thu nhập và chế độ ưu đãi ổn định) gắn bó với thời bao cấp. “Bát cơm sắt” ngày nào đã chuyển thành “bát cơm vàng”. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục