Ngang nhiên hút thuốc nơi có biển cấm

Ngang nhiên hút thuốc nơi có biển cấm

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) đã có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 và Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định mức phạt về hành vi hút thuốc lá không đúng nơi quy định cũng đã có hiệu lực từ ngày 31-12-2013. Thế nhưng đến nay, tại TPHCM, những nơi công cộng trong diện cấm hút thuốc lá vẫn nồng nặc khói thuốc. Người nghiện thuốc vẫn cứ thản nhiên hút ngay bên những biển cấm chỉ dựng lên cho có, không thấy ai bị phạt.

Vô tư hút thuốc mọi nơi

Anh Trần Nguyễn Bình (ngụ đường Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh: “Tôi thấy báo chí đưa tin đoàn thanh tra của Bộ Y tế và Quỹ PCTHCTL đã kiểm tra và phạt một nhà hàng ở Hà Nội về việc không treo biển hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” theo quy định của Luật PCTHCTL. Trong khí đó, ở TPHCM, những nơi có đặt biển cấm hút thuốc nhưng nhiều người vẫn hút, mà không ai phạt”. 

Thật vậy, chúng tôi ghé qua Bệnh viện Ung bướu TPHCM và thực sự ngạc nhiên khi thấy ở nơi các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo lại nhiều khói thuốc như vậy. Dọc hàng ghế đá ngoài công viên và ngay tại hàng ghế trong khu chờ khám bệnh, có không ít người tụ tập, thản nhiên hút thuốc. Bệnh nhân tên Lọt than: “Trong này ai cũng bệnh nặng, mà nhiều người vô ý thức lắm, cứ hút thuốc phả khói lung tung, ai không chịu được thì tự đi chỗ khác. Thỉnh thoảng bảo vệ có nhắc nhở nhưng họ chẳng quan tâm”.

Tại dãy ghế đá trong khuôn viên Bệnh viện Ung bướu lúc nào cũng có nhiều người tụ tập hút thuốc lá

Tại nhiều bệnh viện khác cũng có tình trạng nhiều người thản nhiên hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc như vậy. Nghe chúng tôi dò hỏi sao lại hút thuốc lá trong bệnh viện, hầu hết đều trả lời chống chế: “Biết là không được hút thuốc, nhưng nghiện quá nên đốt một điếu cho đỡ lạt miệng”.

Không chỉ trong bệnh viện, đến bất cứ đâu có biển cấm hút thuốc, chúng tôi đều gặp người hút thuốc. Tại Bến xe miền Đông, hành khách tranh thủ hút thuốc ở hàng ghế chờ mua vé, ở những hàng nước trong bãi xe, thậm chí có tài xế đang chui xuống gầm xe để kiểm tra máy móc vẫn hút thuốc không sợ cháy nổ. Tại các công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, 30 Tháng 4... là nơi có nhiều người già và trẻ nhỏ tập thể dục, vui chơi, cũng không tránh khỏi khói thuốc, thậm chí nhiều ông bố vừa ẵm con ngồi lên thú nhún vừa hút thuốc, khói thuốc cứ thế phả thẳng vào mặt đứa trẻ...

Nghị định 176 khó áp dụng

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Không dễ cấm hút thuốc trong bệnh viện, vì người của bệnh viện chỉ được nhắc nhở những người hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, chứ không được phạt. Việc xử lý phạt thuộc trách nhiệm của UBND phường Bến Nghé”. Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định việc kiểm tra, xử phạt hành vi hút thuốc lá được giao cho UBND phường sở tại, nhưng khi chúng tôi trao đổi với nhiều phường, cũng đều nghe than rằng rất khó xử phạt.

Ông Lưu Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Bình Thạnh, thừa nhận: “Tình trạng hút thuốc lá trong Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhân dân Gia Định vẫn còn. Phường đang tập trung chuyển hóa địa bàn tại khu vực trước Bệnh viện Ung bướu, nên đối với công tác PCTHCTL phường mới chỉ phối hợp với Công an phường cùng bệnh viện tuyên truyền, nhắc nhở, chứ chưa xử phạt trường hợp hút thuốc lá nào, do đó hiệu quả chưa cao. Tuy nhiên, đúng là để xử phạt vi phạm hút thuốc lá trong bệnh viện là không dễ, bởi bệnh viện là đơn vị độc lập. Năm 2016, phường sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý, nhưng giá như giao cho bệnh viện được quyền xử lý vi phạm thì sẽ thuận lợi hơn và hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Anh Điệp, Chủ tịch UBND phường 10, quận 10, cũng cho biết: “Phường chưa phạt trường hợp nào hút thuốc trong Bệnh viện Nhi đồng 1, mà chủ yếu phối hợp với bệnh viện để tuyên truyền, nhắc nhở cho người dân ý thức hơn trong việc giữ môi trường trong lành cho người bệnh. Hầu hết người hút thuốc trong bệnh viện này là người dân ở các tỉnh đưa con về chữa bệnh, nên họ vẫn giữ thói quen hút thuốc mọi nơi. Để việc xử phạt có hiệu quả, bệnh viện và địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ. Tuy nhiên, mỗi khi xử phạt thì phải lập đội kiểm tra, lập biên bản phạt rồi đem về phường trình lãnh đạo ký, sau đó lại đem tới bệnh viện xử phạt. Quả thực quy trình đó rất mất thời gian của các bên mà hiệu quả cũng không cao, vì không thể thực hiện thường xuyên, liên tục. Hơn nữa, về lý là họ đáng bị phạt, nhưng về tình, họ đều là người nhà bệnh nhân, luôn túng thiếu khổ sở trăm bề, nên chúng tôi không nỡ. Vì vậy chúng tôi  vẫn muốn đẩy mạnh tuyên truyền nhắc nhở là chính”.

PHƯƠNG LY

Tin cùng chuyên mục