Ngành chăn nuôi bò sữa trên đà hồi phục - Hình thành các trang trại chục ngàn con

Ngành chăn nuôi bò sữa trên đà hồi phục - Hình thành các trang trại chục ngàn con

Sau 10 năm Quyết định 167/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình phát triển bò sữa giai đoạn 2001 - 2010 đã đạt mốc tăng trưởng mới song vẫn tồn tại nhiều vấn đề khá căn cơ cần tiếp tục giải quyết. Dù đầu ra ngay trong nước, nhu cầu chế biến và tiêu dùng đang tăng từ 0,6 lít lên 3,5 lít sữa/người/năm nhưng nghề nuôi bò sữa vẫn thăng trầm.

Từ phong trào thành thoái trào

Mô hình nuôi bò sữa dạng nông hộ, gắn với nhà máy chế biến bắt nguồn từ TPHCM. Đầu những năm 2000, nguyên liệu sữa bò trong nước cung ứng các nhà máy mới đáp ứng 8% công suất chế biến, bò sữa trở thành vật nuôi chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh nhiều cây con khác bị tắc đầu ra.

Vì vậy, giai đoạn đầu, 2001 - 2005, tốc độ phát triển đàn bò và sản lượng sữa vượt mục tiêu đề ra, đạt trên 107.000 con so với mục tiêu 100.000 con, sản lượng sữa tăng 131%, với 197.000 tấn/năm so với mục tiêu 150.000 tấn/năm, đáp ứng 22% nhu cầu sữa chế biến. Từ vài địa phương đã tăng lên 33 tỉnh thành có bò sữa. Giai đoạn tăng nóng khởi phát từ việc giá giống bò sữa tăng quá cao, do không đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều địa phương vội vàng nhập con giống từ Australia, Thái Lan...

Trại bò sữa của Vinamilk tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Trại bò sữa của Vinamilk tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, qua năm 2006 đàn bò sữa cả nước giảm còn 106.355 con. Đó là hậu quả của sự nóng vội, chạy theo phong trào thay vì phải làm bài bản, từng bước một. Bò sữa vốn rất nhạy cảm, không dễ nuôi so với trâu, bò kéo hay heo, gà. Việc nhập khẩu ồ ạt con giống ngoại, vốn làm bò sữa bị căng thẳng, trong khi người chăn nuôi chưa được đào tạo căn cơ nên việc nuôi không hiệu quả, năng suất sữa bò vắt được quá thấp là điều không bất ngờ. Góp phần vào thất bại này còn do các nhà máy ép giá người nuôi. Gần 10 năm các nhà máy không nâng giá mua sữa, trong khi chi phí đầu vào chăn nuôi lại tăng cao. Giá sữa bò tươi bán cho nhà máy vào loại thấp nhất nhì trong khu vực. Những lý do này góp phần đẩy phong trào nuôi bò sữa đi vào thoái trào. Từ chỗ là vật nuôi được kỳ vọng nhất, lợi nhuận khá cao trở thành “của nợ” phải bán tháo. Số địa phương nuôi bò sữa giảm còn 22 tỉnh thành.

Âm thầm tăng trở lại

Từ năm 2009, việc nuôi bò sữa có dấu hiệu phục hồi và tốc độ tăng khá nhanh trở lại. Tổng đàn bò sữa cả nước cuối năm 2010 trên 128.000 con, tập trung chủ yếu là vùng Đông Nam bộ chiếm hơn 63%, trong đó, nhiều nhất là TPHCM, khoảng 80.000 con. Ngoài ra còn có khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An) và duyên hải miền Trung (Bình Định)...

Theo Tiến sĩ Đoàn Đức Vũ (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam), điều đáng mừng, sản lượng sữa tươi 10 năm qua tăng gấp 4 lần, lên 306.000 tấn, cao hơn tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa. Bên cạnh việc chấn chỉnh tay nghề, kỹ thuật nuôi, yếu tố quan trọng góp phần nghề nuôi bò sữa phát triển trở lại do các nhà máy tăng giá mua sữa liên tục, nhất là năm 2010 và 2011, trong đó, tháng 3-2011 tăng 2 lần. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tăng gần 38% với 6 lần điều chỉnh giá 2 năm qua. Công ty Friesland Campina Việt Nam cũng tăng, kéo theo một loạt các công ty khác cũng tăng giá mua sữa bò của người nuôi. Hiện nay giá mua sữa bò nguyện liệu cao gần ngang với thế giới và nhất nhì trong khu vực.

Đặc biệt, từ khi Hiệp hội Sữa Việt Nam ra đời, việc điều chỉnh giá mua sữa có phần nhịp nhàng và kịp thời hơn so với trước đây. Các công ty chế biến sữa còn làm tốt công tác khuyến nông, tập huấn cho người nuôi, hình thành mô hình nuôi hiệu quả… Trong khuôn khổ hội thi bò sữa TPHCM lần thứ 3 diễn ra ngày từ 30-11 đến 2-12, tại diễn đàn phát triển bò sữa bền vững, đại diện Vinamilk cho biết năm 2012 Vinamilk sẽ có chương trình hỗ trợ chi phí phối giống theo tỷ lệ bán sữa cho nhà máy.

Giờ đây xuất hiện nhiều trang trại bò sữa từ hàng ngàn đến chục ngàn con như trang trại Vinamilk tại Nghệ An, Tuyên Quang, Lâm Đồng… Nhưng rầm rộ nhất là Công ty Sữa TH Milk, tại Nghệ An, với dự án chăn nuôi bò sữa cao nhất từ trước đến nay khoảng 1 tỷ USD giai đoạn từ năm 2009 đến 2020. Diện tích giai đoạn đầu (đến 2012) 8.000ha, với hơn 20.000 con bò sữa đã được nhập về từ New Zealand, Australia. Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư trang trại bò sữa hiện đại 16.000 con tại Tây Ninh.

Có thể nói, nghề nuôi bò sữa đang đi vào chiều sâu, phát triển có trọng điểm và tập trung. Số hộ chăn nuôi bò sữa ở TPHCM giảm khá mạnh, còn hơn 8.000 hộ so với 10.000 hộ trước đây, số đàn trên hộ tăng lên. Sản lượng sữa tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng đàn cho thấy chất lượng đàn bò sữa đã cải thiện. Tuy việc tăng trưởng này vẫn còn thấp so với mục tiêu 200.000 con nhưng điều quan trọng, việc phát triển bò sữa trở nên căn cơ hơn. Đó là dấu hiệu tốt cho giai đoạn phát triển tới của ngành bò sữa. Về lý thuyết, sau 5 năm đàn bò sữa sẽ tăng gấp đôi.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục