Để tồn tại trước tình trạng giá thịt (đùi gà Mỹ) giảm đến khó ngờ, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai lên tiếng sẽ tìm cách khởi kiện ngành gia cầm Mỹ bán phá giá. Chưa biết sự việc sẽ đến đâu, nhưng việc xuất hiện hàng loạt trang trại nuôi heo sử dụng chất cấm, tình trạng bơm nước và việc sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ gia súc tại một số “lò” ở nước ta đang đẩy người tiêu dùng quay lưng lại với thịt nội.
Một trại nuôi heo ở Phước Long, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Thái Bằng
“Vật hy sinh”
Là “cường quốc” về nông nghiệp khi chiếm lĩnh tốp đầu về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản, thế nhưng chăn nuôi lại là ngành kém cạnh tranh và thiếu bền vững, vì vậy sẽ chịu nhiều tác động xấu khi Việt Nam hội nhập sâu với các hiệp định thương mại tự do như AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) và nhất là TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương). Tại buổi doanh nghiệp gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại TPHCM, ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Long (Bình Dương), đã nói thay cho người chăn nuôi, đây là ngành bị làm “vật tế thần” để đổi lấy các ưu đãi cho lĩnh vực khác khi Việt Nam đàm phán các hiệp định thương mại. Mới đây, tại hội thảo quốc tế về “Tác động của TPP và AEC lên kinh tế Việt Nam”, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định: chăn nuôi nằm trong nhóm ngành bị dự báo sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực. Ngành chăn nuôi sẽ là “vật hy sinh” cho TPP. Vì trong hội nhập, ngành nào yếu phải hy sinh, biết chấp nhận từ bỏ một số ngành không có lợi thế để nhiều ngành khác hưởng lợi.
Ngành chăn nuôi trong nước sẽ còn đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của thịt đông lạnh nhập khẩu, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới và khu vực. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu VEPR, với AEC ảnh hưởng không đáng kể, vì hiện nay, thuế nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN đã thấp, chỉ 0% - 5%. Với TPP, thuế áp lên các nước như Úc, New Zealand, Nhật Bản còn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm và thịt chế biến. Lúc đó sẽ tác động mạnh lên ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi trong nước sẽ có xu hướng thu hẹp do bị cạnh tranh, đặc biệt đối với ngành thịt. Sau TPP, dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ. Tất nhiên, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhưng với người chăn nuôi, phần lớn bị thiệt hại. Trong các trường hợp tự do hóa thương mại, sản lượng của ngành chăn nuôi đều sụt giảm, trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật như heo, gia cầm… bị thiệt hại nặng nhất. Vì vậy, tái cấu trúc ngành cần được đẩy nhanh hơn trong thời kỳ quá độ bằng việc xác định những thế mạnh riêng của Việt Nam, như PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - phát biểu, dù gặp khó khăn nhưng cũng có những lợi thế nhất định. Phải biết “thổi hương vị gió mùa”, tính đặc sản của nông nghiệp nhiệt đới với những giống cây, con đặc sản của Việt Nam mới có thể cạnh tranh. Đó mới là sự khác biệt gần như tuyệt đối khi vào TPP. Vì vậy, các giống đặc sản cần phải biết giữ gìn cẩn thận để nâng sức cạnh tranh với ngành chăn nuôi thay vì chỉ chạy theo giống nhập ngoại.
Ngành chăn nuôi đang đối diện nhiều thách thức. Ảnh: CAO THĂNG
Và một… “bầy sâu”
Trong khi mọi người lo ngại ngành chăn nuôi sẽ lao đao khi hội nhập, đặc biệt là với TPP, tác động đến đời sống của khoảng 10 triệu nông hộ, thì gần đây lại còn rộ lên thông tin về việc sử dụng chất cấm (chất tăng trọng, tạo nạc, thuộc nhóm beta Agonist) tại một loạt trang trại ở Đồng Nai. Nếu như những năm trước, thông tin về dịch bệnh (cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng hay heo “tai xanh”) khiến người tiêu dùng xa lánh thịt gia cầm hay thịt gia súc vì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì hiện nay, tình trạng này cũng sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng vì “thịt bẩn” do sử dụng chất cấm. Thế nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng thuốc an thần tại các lò giết mổ lậu để việc giết mổ gia súc được dễ dàng hơn (mặc cho sức khỏe người tiêu dùng sẽ ra sao) mà Chi cục Thú y TPHCM phát hiện đã nối dài thêm danh sách các địa phương có các lò giết mổ lậu vi phạm. Trong khi đó, tình trạng bơm nước vào động vật trước khi giết mổ như là căn bệnh mãn tính từ vài chục năm trước trên gia cầm, lan sang heo, rồi chó, giờ đây “căn bệnh” này đã lan rộng khi ngành thú y phát hiện tình trạng bơm nước vào đại gia súc như bò… trước khi giết mổ!
Có người cho rằng, tình trạng này chỉ là “con sâu làm sầu nồi canh”, nhưng theo những người trong ngành, không chỉ vài “con sâu” mà đã là “một bầy sâu” với nhiều “loại sâu” khác nhau, gặm nhấm dần niềm tin của người tiêu dùng khi mà việc quản lý nhà nước chưa thật sự hiệu quả. Vấn nạn bơm nước vào động vật đã xuất hiện rất lâu, chẳng những không giảm mà còn lan rộng. Vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra từ hàng chục năm trước, khi một số nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi sử dụng, nay đã lan vào các trạng trại với quy mô lớn. Mới nhất là “bầy sâu” sử dụng thuốc an thần khi giết mổ. Có thể nói, những hành động này như “bóp cổ” ngành chăn nuôi, trong khi đây lại là ngành đang đứng trước nguy cơ phải thu hẹp dần khi hội nhập.
CÔNG PHIÊN