Ngành công nghiệp xe máy Việt Nam trong hội nhập

Ngành công nghiệp xe máy Việt Nam trong hội nhập

Nền kinh tế thế giới hiện nay đang vận động trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá và diễn ra rất sâu sắc và nhanh chóng, ranh giới giữa thị trường trong nước và thị trường ngoài nước đã bị thu hẹp. VN đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế kể từ ngày gia nhập và các loại rào cản thương mại được loại bỏ dần, đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp ô tô, xe máy VN.

Xe máy sản xuất trong nước vẫn khó cạnh tranh với xe nhập ngoại.

Xe máy sản xuất trong nước vẫn khó cạnh tranh với xe nhập ngoại.

 
Trong chiến lược phát triển của  ngành công nghiệp VN, định hướng đến 2020 thì công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất ô tô, xe máy sẽ là 1 trong 5 lĩnh vực chính được ưu tiên phát triển trong ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm nội địa hoá sản phẩm. Đây là một chủ trương quan trọng được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện phát triển, nhưng muốn đạt được mục tiêu này thì đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các DN và sự chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ ngành và chính phủ, bởi năng lực các DN sản xuất ô tô, đặc biệt là các DN sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước là rất khiêm tốn và kém hiệu quả.

Theo Hiệp hội Ô tô, xe máy và xe đạp VN, sản lượng xe máy của các DN sản xuất, lắp ráp xe máy tại VN hàng năm là 3 triệu chiếc xe, trong đó các DN nước ngoài có 7 DN nhưng chiếm 75 - 80%, còn các DN trong nước mặc dù được Bộ Công nghiệp cấp phép là 48 doanh nghiệp nhưng tới nay chỉ còn trên dưới 10 DN đang tồn tại và chiếm 20 - 25% sản lượng xe máy thành phẩm.

Nguyên nhân mà các DN sản xuất - lắp ráp xe máy trong nước hoạt động kém hiệu quả về mọi mặt so với các DN nước ngoài tại VN, thì có nhiều và chúng ta cũng rất dễ nhìn thấy một số nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, về đầu tư công nghệ: Mặc dù công nghệ trong sản xuất, lắp ráp xe máy đóng một vai trò quyết định thì hầu hết các DN trong nước lại không có chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. Thứ hai, chưa đầu tư và quan tâm đúng mức cho yếu tố nhân lực, đây là một vấn đề rất quan trọng cho quá trình phát triển bền vững của một doanh nghiệp.

Hiện nay, chi phí cho đào tạo nhân công của VN rất thấp so với một số nước lân cận trong khu vực. Thứ ba, chưa quan tâm tới chiến lược xây dựng “dài hơi” cho một “thương hiệu” sản phẩm. Trong hội nhập kinh tế quốc tế thì “thương hiệu” luôn là “tài sản vô hình” nhưng lại là yếu tố quyết định đến thắng lợi của một doanh nghiệp.

Và một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là: các DN sản xuất, lắp ráp xe máy VN nói chung chịu tác động mạnh từ cơ chế chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế nhiều biến động, khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra các DN sản xuất, lắp  ráp xe máy VN còn phải vượt qua thách thức là quá trình cạnh tranh gay gắt, quyết liệt đối với các loại xe máy nhập khẩu từ nước ngoài vào VN. Riêng tháng 8-2010 đã có 1.100 chiếc xe máy được nhập khẩu vào VN, số lượng xe máy các loại nhập khẩu trong 9 tháng năm 2010 là 72.164 chiếc, giá trị là 93 triệu USD và lượng linh kiện phụ tùng xe máy trong tháng qua tăng 3% đạt 67,5 triệu USD và trong 9 tháng đầu năm 2010, giá trị nhập khẩu của linh kiện xe máy lên tới 564 triệu USD, tăng tới 37% so với 9 tháng đầu năm 2009. Với số liệu nhập khẩu trên không chỉ gây hiệu ứng tăng cao về nhập siêu, mà còn làm cho các DN sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước yếu đi.

Nhìn vào thực trạng của ngành sản xuất, lắp ráp xe máy VN và số liệu xe nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2010 chúng ta thấy, nhu cầu đối với xe máy của thị trường nội địa là rất lớn và đòi hỏi các DN sản xuất, lắp ráp xe máy VN phải không ngừng nỗ lực vươn lên, xây dựng cho mình một chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng, đáp ứng tốt được quá trình cạnh tranh gay gắt.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, thỏa mãn được nhu cầu của thị trường trong nước trước khi các loại rào cản thương mại được loại bỏ. Và thiết nghĩ, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện hơn nữa để các DN sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước phát triển thông qua các cơ chế chính sách, sử dụng hợp lý các loại rào cản thương mại để bảo vệ thị trường trong nước, nhất là trong giai đoạn thị trường nhạy cảm như hiện nay Nhà nước nên nghiên cứu xem xét nâng thuế nhập khẩu đối với các loại xe máy nhập khẩu  nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất, lắp ráp xe máy VN có điều kiện chuyển giao công nghệ, củng cố và phát triển thương hiệu... Đồng thời hạn chế được nhập siêu, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước. Dẫu biết rằng, việc giảm thiểu bảo hộ của chính phủ phải gắn liền với việc tăng khả năng tự bảo vệ của DN trong nước.

Trần Nam

Tin cùng chuyên mục