Tuy còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song ngành công thương TPHCM vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Hầu hết các mặt hàng tồn kho đã về ngưỡng an toàn và nhiều nhóm ngành đang mở rộng quy mô sản xuất.
Duy trì tăng trưởng
Theo Sở Công thương TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2013 giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 8,4% so với tháng cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (lĩnh vực chủ yếu của công nghiệp thành phố) giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ tăng 5,2%). Trong đó, công nghiệp khai thác giảm 3,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,4% so cùng kỳ.
Trong 26 ngành sản xuất có 22 ngành sản xuất có sản lượng tăng, trong đó một số ngành có mức tăng cao hơn mức tăng chung toàn ngành như: chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt, da giày, giấy và sản phẩm giấy… Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp 4 ngành công nghiệp trọng yếu tháng 7 ước giảm 0,7% so tháng trước và tăng 4,2% so tháng cùng kỳ năm 2012. Tính chung, 7 tháng tăng 4,2% so với cùng kỳ; trong đó, chế biến lương thực thực phẩm tăng 8%; điện tử tăng 0,3% và cơ khí chế tạo tăng 1,11%.
Theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp thành phố tháng 7 năm 2013 so với tháng trước có phần giảm nhẹ. Tuy nhiên, so với tháng cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt mức tăng cao (8,4%) và cao hơn tốc độ lũy kế 6 tháng đầu năm. Do đó, tốc độ tăng trưởng lũy kế 7 tháng vẫn giữ được xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, cụ thể, 5 tháng tăng 4,6%, 6 tháng tăng 5,2% và 7 tháng tăng 5,3%. Để đạt được kết quả này, các bộ, ngành, thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đang tiếp tục phục hồi dần đà tăng trưởng, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng. Trên thực tế, lãi suất giảm đã góp phần làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (phần lớn dưới 13%/năm). Từ đó, doanh nghiệp bắt đầu mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ tín dụng đã có chuyển biến tích cực với mức tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 4,6% so với cuối năm 2012 và tăng 16,7% so cùng kỳ.
Ngoài ra, ngành công thương đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, UBND các quận, huyện tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm đưa ra những gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp.
“Nhìn chung, sản xuất công nghiệp thành phố tiếp tục có những chuyển biến tích cực, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng qua từng tháng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong nước, thế giới vẫn còn nhiều khó khăn; sức mua thị trường còn thấp nên sản xuất công nghiệp chưa thể tăng cao như kỳ vọng” - ông Nguyễn Văn Lai cho biết.
Giảm tồn kho, tăng xuất khẩu
Theo số liệu thống kê, chỉ số tồn kho tháng 7 giảm 3,5% so với tháng trước. So với tháng 1, hiện mức chênh lệch tồn kho ở mức thấp, khoảng 2,5%. Tuy nhiên, qua khảo sát của Sở Công thương tại một số doanh nghiệp lớn thuộc các ngành tiêu dùng thiết yếu của TP, tồn kho đang trở lại mức bình thường, chủ yếu ở dạng lưu kho phục vụ nhu cầu thị trường trong chu kỳ kế tiếp. Qua đó cho thấy, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm và hiện đã quay về mức bình thường bởi các doanh nghiệp đã điều chỉnh quy mô và sản lượng sản xuất.
Về hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước đạt 49.505 tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng 6 và tăng 17,4% so tháng cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng, doanh thu hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn ước đạt 337.805 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch năm 2013.
Theo Sở Công thương TPHCM, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa-doanh thu dịch vụ trên địa bàn tháng 7 cao hơn tháng 6 và các tháng đầu năm; so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng tháng 7 cao hơn lũy kế 6 tháng đầu năm. Do đó, tốc độ tăng trưởng lũy kế 7 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng cao dần, tháng sau đạt cao hơn tháng trước. Trừ biến động giá, lượng hàng hóa - dịch vụ tiêu thụ có xu hướng tăng cao dần, điều này cho thấy sức mua của thị trường đang dần được cải thiện.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng khu vực dân cư có phần suy giảm; nguồn thu ngân sách đạt thấp, chi tiêu công cũng bị thắt chặt để giảm bội chi ngân sách và kiềm chế lạm phát. Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định; các trung tâm thương mại, siêu thị áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng doanh thu tăng không cao.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, tuy có nhiều khó khăn xuất khẩu, nhưng TP vẫn giữ mức kim ngạch tương đương cùng kỳ năm 2012, cao hơn kim ngạch nhập khẩu. Qua đó, góp phần cùng cả nước cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán; góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá hối đoái (cả nước thâm hụt 733 triệu USD).
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm đã có dấu hiệu suy giảm (cả nước xuất khẩu tăng 14,3%) và thấp hơn so với tăng trưởng nhập khẩu (nhập khẩu tăng 18,6%). Nguyên nhân, do giá xuất khẩu trung bình nhiều mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch nhiều mặt hàng tăng trưởng không bằng cùng kỳ.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu không tăng do cơ cấu hàng hóa nhập khẩu phần lớn là máy móc, thiết bị và nguyên liệu sản xuất. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất ổn định.
THẢO TIÊN