Hôm nay (3-9), Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên cuối để tìm tiếng nói chung trong việc tăng lương tối thiểu vùng. Trước thềm cuộc họp này, các doanh nghiệp khối dệt may - ngành đứng đầu về xuất khẩu và có số lượng lao động lớn, đã có các kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền về việc tăng lương. Theo các hiệp hội, doanh nghiệp, cần hết sức cân nhắc việc tăng lương tối thiểu vùng do lo ngại tăng chi phí, giảm việc làm.
Chi phí tăng mạnh
Đại diện Chi hội Dệt may Đông Bắc (gồm các doanh nghiệp ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh), bà Trần Thị Sinh Duyên, cho biết, đa số doanh nghiệp đã tìm mọi cách để nâng cao đời sống, trả mức lương cao nhất có thể cho người lao động. Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, 20% không đủ sống, 31% phải chi tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ có 8% có tích lũy. Mức chi tiêu trung bình của người lao động phải nuôi con là 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Từ kết quả trên, bà Duyên lập luận, con số này đã cho thấy mức lương hiện tại mà các doanh nghiệp đang áp dụng đã đáp ứng nhu cầu sống của 80% số lao động.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Hưng Yên kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, mức thu nhập của người lao động trong tổng công ty năm 2014 đạt bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng (không tính tiền bảo hiểm đóng cho người lao động và tiền ăn ca). Không đồng ý mức đề xuất tăng 16,8%, ông Dương cho biết, với 14 công ty thành viên thì có 5 doanh nghiệp thành lập từ 8 năm trở lên, lợi nhuận năm 2014 đạt 7% - 10% doanh thu gia công nhưng lợi nhuận năm 2015 sẽ giảm vì khách hàng giảm giá và nhiều chi phí đã tăng; 9 doanh nghiệp thành lập 1 đến 6 năm đang bị lỗ vốn. Với mức lương hiện tại, hàng năm tổng công ty phải nộp tiền bảo hiểm khoảng 190 tỷ đồng (người lao động nộp 60 tỷ đồng); tiền phí công đoàn 17 tỷ đồng (người lao động 5,7 tỷ đồng). Giả sử tăng thêm 16,5% thì mức nộp tăng thêm bảo hiểm xã hội là 31,35 tỷ đồng (trong đó người lao động nộp tăng 9,9 tỷ đồng), phí công đoàn tăng khoảng 2,5 tỷ đồng (người lao động đóng tăng 825 triệu đồng). Để trả lương cao cho người lao động, doanh nghiệp đã phải trả tiền lương 60% - 65% doanh thu gia công... Cũng theo ông Dương, khi tăng lương tối thiểu, tuy doanh nghiệp không phải tăng lương cho người lao động (vì đã trả cao hơn lương tối thiểu vùng) nhưng tiền bảo hiểm, phí công đoàn đều tăng khá lớn. Nếu tăng lương tối thiểu thì thu nhập của người lao động sẽ bị giảm bình quân từ 83.000 - 243.000
đồng/người/tháng.
Doanh nghiệp dệt may lo lương tối thiểu tăng cao. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Đỗ Nam Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Hai, cho rằng đối với doanh nghiệp, tiền lương không chỉ mang chức năng trả công mà còn là một công cụ quản lý và điều hành. Vì vậy, ngoài phần tiền lương bắt buộc tuân theo quy định (gọi là lương cứng như quy định về lương tối thiểu, các chế độ chính sách tính trên lương tối thiểu...) thì doanh nghiệp còn bổ sung thêm các khoản lương mềm dưới dạng phụ cấp hoặc tiền thưởng nhằm tăng thu nhập cho người lao động, tạo sự công bằng hơn trong phân phối thu nhập... Tất cả các khoản lương cứng và lương mềm được gộp chung lại là tổng thu nhập. Tổng thu nhập doanh nghiệp chi cho người lao động là một con số có giới hạn nên nếu lương cứng tăng thì lương mềm bắt buộc giảm và ngược lại. “Trong kết cấu của hệ thống tiền lương doanh nghiệp, chúng tôi cần lương phần mềm đủ lớn để thực thi được các biện pháp quản lý nâng cao năng suất. Nếu hệ thống tiền lương của doanh nghiệp bị cứng hóa (tỷ lệ phần cứng chiếm quá lớn) do mức lương tối thiểu tăng thì gây hại cho năng suất lao động. Sự cứng hóa đó cũng làm cho thu nhập thực lĩnh của người lao động bị suy giảm do các khoản nộp bảo hiểm và phụ phí khác bị tăng thêm. Đó cũng là lý do giải thích tại sao có đến 76,39% số người lao động ở công ty chúng tôi thấy không cần thiết phải tăng lương tối thiểu trong kỳ 2016”, ông Hải nói.
Dệt may chỉ muốn tăng lương 6% - 7%
Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến của các chi hội họp theo vùng và họp trực tuyến ba miền trong cả nước, hiệp hội thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 6% - 7% vì nếu không các chi phí sẽ đội lên lớn. Cụ thể, nếu tăng 6% - 7% thì chi phí tính cho 2,5 triệu lao động dệt may và lấy vùng 2 làm vùng chuẩn để tính cũng sẽ tăng thêm trên 17.000 tỷ đồng. Trong đó các khoản bảo hiểm tăng thêm 7.390 tỷ đồng, kinh phí công đoàn tăng thêm trên 450 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Còn nếu tăng lương tối thiểu vùng 10%, chi phí nhân công tăng trên 23.200 tỷ đồng (các khoản bảo hiểm tăng thêm 8.700 tỷ đồng, kinh phí công đoàn tăng thêm trên 530 tỷ đồng). Nếu tăng 16,8% theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng chi phí nhân công tăng thêm trên 32.400 tỷ đồng (các khoản bảo hiểm tăng thêm 10.700 tỷ đồng, kinh phí công đoàn tăng thêm gần 660 tỷ đồng). Trong bối cảnh sau hơn 10 năm liên tục tăng lương tối thiểu, đến nay sức chịu đựng của các doanh nghiệp dệt may đã tới hạn. Nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến “sức khỏe” của doanh nghiệp, khả năng tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất tạo việc làm hoặc đầu tư công nghệ mới để tăng năng suất lao động sẽ không còn. Nhiều doanh nghiệp yếu dễ đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất, phá sản. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với ưu thế về vốn, công nghệ, quản lý… sẽ lấn át các doanh nghiệp trong nước và tận dụng những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
HÀ MY