Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA… đã đàm phán xong và sắp được ký kết. Đây được xem là cơ hội để ngành dệt may đưa mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28 - 28,5 tỷ USD trong năm 2015.
Lực hút hội nhập
Kết thúc năm 2014, dệt may được đánh giá là ngành “ăn nên làm ra” với sự tăng trưởng khá tốt về xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa so với nhiều ngành hàng khác khá ảm đạm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt gần 24,5 tỷ USD, tăng gần 16% so với năm 2013.
Riêng mặt hàng may mặc đạt trên 21 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, còn lại là giá trị xuất khẩu xơ sợi dệt đạt trên 3 tỷ USD. Đây được coi là cơ sở cơ bản nhất để khẳng định dệt may vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm tới.
Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường nhập khẩu dệt may thế giới không tăng trưởng nhiều, trong khi đó xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng cao, đặc biệt ở các thị trường truyền thống như: Mỹ tăng 12,5%, châu Âu tăng 17% và Nhật vẫn duy trì ở mức tăng 9%.
Đặc biệt, ngoài vị trí thứ 2 tại thị trường Mỹ trong nhiều nay, năm 2014 đánh dấu việc Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2, chỉ đứng sau Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam không chỉ cạnh tranh tốt mà còn có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách hàng nước ngoài. Sở sĩ ngành dệt may đạt được thành quả này, một phần do tác động của các Hiệp định thương mại tự do. Bởi hầu hết những Hiệp định này đều liên quan trực tiếp đến các thị trường chính xuất khẩu dệt may như Hiệp định TPP gồm có Mỹ và Nhật Bản, FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga Belarus Kazakhstan.
May xuất khẩu tại Tổng Công ty may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG
Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, với điều kiện thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28 - 28,5 tỷ USD trong năm 2015 sẽ nằm trong tầm tay.
Thậm chí, ngành này có thể tăng gấp đôi về quy mô sản xuất trong 10 năm tới khi có được những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Đơn cử, tại thị trường EU, đến thời điểm này Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may.
Tuy nhiên, khi FTA Việt Nam-EU được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này. Tương tự, ưu đãi về thuế do Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện chịu thuế suất khoảng 17% - 18%, song khi TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ luôn tăng 12% - 13%/năm, trong khi Mỹ nhập khẩu hàng dệt may của thế giới chỉ tăng 3%.
Điều này đồng nghĩa với thị phần dệt may trong nước đang được thị trường Mỹ rộng cửa chào đón và có chiều hướng tăng cao. Tương tự, ở thị trường Nga, hiện thuế quan áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch trong nước rất cao và được tính theo trọng lượng của sản phẩm. Nhưng nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) được ký kết vào những tháng đầu năm 2015 sẽ mở ra cơ hội đáng kể về chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn với doanh nghiệp.
Chủ động nguồn nguyên liệu
Nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2015 đạt hơn 28,5 tỷ USD, ngoài những thuận lợi nêu trên, ngành dệt may cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi vẫn lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu và các chính sách chưa cụ thể.
Theo bà Raffaella Carabelli, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dệt Ý (ACIMIT), để hội nhập thành công, các doanh nghiệp nên chủ động đón đầu công nghệ và dành những đầu tư xứng đáng cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh việc đa dạng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguồn cung nguyên phụ liệu để tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, tăng tỷ lệ nội địa hóa là một trong những yếu tố giúp tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng Việt Nam. Chủ động nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng, đi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu là những mục tiêu ngành dệt may đang hướng tới. “Từ nay cho đến khi các hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng năng lực, đầu tư vào nguyên phụ liệu, liên kết giữa các khâu sản xuất sợi, vải và may để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Dịch chuyển nhanh từ gia công với tỷ lệ trong nhập khẩu nguyên liệu cao sang hình thức sản xuất tự chủ động nguyên liệu (FOB) và sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời tạo giá trị gia tăng cao hơn”, ông Lê Tiến Trường nói.
Trong khi đó, qua tìm hiểu hầu hết doanh nghiệp mong muốn kinh tế vĩ mô trong nước được ổn định, Chính phủ duy trì ổn định trong tỷ giá, lãi suất và trong chế độ chính sách cho người lao động. Trong trường hợp có sự thay đổi, bổ sung về mặt chính sách nên có lộ trình và thông báo sớm để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam Đặng Phương Dung, mặc dù Chính phủ xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, môi trường kinh doanh trong nước đang ở thứ hạng thấp trong khu vực. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển như các chính sách về thu hút, sử dụng lao động, tiền lương, mức đóng bảo hiểm y tế, trích phí công đoàn một cách hợp lý hơn.
LẠC PHONG