Ngành điện cam kết không cắt điện dịp Tết Nhâm Dần

Để đảm bảo vận hành hệ thống và cung cấp điện dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan đã xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, phòng chống cháy nổ; tổ chức phân công, ứng trực 24/24 giờ cũng như chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị để sẵn sàng xử lý các tình huống sự cố hệ thống điện.
Ngành điện cam kết sẽ không cắt điện dịp tết
Ngành điện cam kết sẽ không cắt điện dịp tết

Chiều 26-1, EVN cho biết, trong các ngày Tết Nguyên đán 2022 (từ 0 giờ ngày 31-1, tức ngày 29 tết đến hết ngày 4-2, tức mùng 4 tết), sẽ không cắt điện trên lưới, ngoại trừ trường hợp cắt điện để xử lý các sự cố. Bên cạnh đó, EVN cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp việc đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng địa phương. 

Trong công tác vận hành hệ thống, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tính toán, lập phương án vận hành nguồn, lưới và chỉ huy vận hành theo tình hình thực tế. Theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm thấp đáng kể so với ngày thường.

Theo số liệu dự báo, trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa có thể giảm còn 14.500MW đến 16.000MW, giờ thấp điểm đêm chỉ đạt xấp xỉ 13.000MW. Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống hiện đã ở mức khoảng 75.700MW, trong đó có hơn 20.800MW năng lượng tái tạo - chiếm tỷ lệ 27,5% (bao gồm 16500MW điện mặt trời và gần 4000MW điện gió).

Như vậy, chỉ riêng về nguồn năng lượng tái tạo đã có công suất lắp đặt cao hơn nhiều so với công suất tiêu thụ điện toàn hệ thống trong các giờ thấp điểm của các ngày tết.

Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải. Trong thực tế vận hành, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia bắt buộc vẫn phải duy trì một số nhà máy điện truyền thống (như thủy điện, tourbine khí) ở mức tối thiểu để đảm bảo có công suất dự phòng trong các tình huống sự cố nguồn điện hoặc các biến động bất thường trong vận hành thực tế. 

Vì vậy, khi phụ tải xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng hoặc giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ, việc điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện mặt trời nối lưới, điện mặt trời mái nhà, điện gió) là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia. 

Tin cùng chuyên mục