Ngành du lịch: Thừa mong mỏi, thiếu quyết tâm

Mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2020 là đón khoảng 15 triệu lượt du khách quốc tế. Thế nhưng giải pháp cho phát triển ngành này, theo các chuyên gia nhìn nhận vẫn thuộc diện thiếu và yếu. Ngành du lịch đang rơi vào tình trạng “thừa mong mỏi, thiếu quyết tâm” như nhận định của lãnh đạo thuộc Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2020 là đón khoảng 15 triệu lượt du khách quốc tế. Thế nhưng giải pháp cho phát triển ngành này, theo các chuyên gia nhìn nhận vẫn thuộc diện thiếu và yếu. Ngành du lịch đang rơi vào tình trạng “thừa mong mỏi, thiếu quyết tâm” như nhận định của lãnh đạo thuộc Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Dẫn chứng về đầu tư kinh phí cho phát triển du lịch, thống kê của một nhóm công tác xã hội chuyên về du lịch cho thấy, năm 2016, nước ta chi cho quảng bá, xúc tiến du lịch chỉ khoảng 2 triệu USD. Nếu so với một số nước bạn trong khu vực, sự đầu tư này của Việt Nam chỉ là… “con tép”. Chẳng hạn, tại Thái Lan là 80 triệu USD, Malaysia là 81 triệu USD, Philippines trên 54 triệu USD…  Ngoài ra, việc mở văn phòng đại diện tại một số nước, ngành du lịch Việt Nam cũng chưa thể thực hiện bởi nguồn kinh phí thiếu thốn. Ngoài ra, chính sách miễn visa để hút khách cũng thực hiện ì ạch, chậm chạp. Ước tính, nếu làm tốt công tác này, Việt Nam sẽ thu hút được khoảng 10 triệu du khách, tăng thêm hàng trăm ngàn việc làm…

Khách du lịch tham quan quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình. Ảnh ĐÀO THỤY

Hiện tại, nước ta mới miễn visa cho 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi các nước lân cận đã miễn visa cho hàng trăm quốc gia. Ví dụ, Singapore miễn cho 158 nước, Malaysia miễn cho 155 nước, nước láng giềng Thái Lan cũng miễn được cho 56 nước và vùng lãnh thổ…

Đáng lưu ý, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố “xương sống” của ngành du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hàng loạt hội thảo đã diễn ra nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành kinh tế đặc thù này, nhưng xem ra vẫn chưa đủ, thậm chí còn thiếu. Cái thiếu ở đây không phải là số lượng hội thảo mà chính là chất lượng cuộc họp. Chưa kể, nhiều hội thảo toàn các chuyên gia đầu ngành ngồi bàn bạc với nhau, nhưng thiếu sự tham dự của các doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp mới là đơn vị sử dụng, “bao tiêu” nguồn nhân lực du lịch.

Thêm nữa, trong quá trình tham dự một số hội thảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam mới đây, nhiều đại biểu có dịp đọc các tham luận đều có chung nhận định: Nội dung tham luận na ná nhau, thiếu hẳn sự đầu tư tâm huyết, yếu tố khác biệt…Trong một cuộc hội thảo diễn ra cách đây ít ngày, chính một vài giảng viên của một số trường đại học tên tuổi đã thừa nhận với đồng nghiệp rằng những lần gửi tham luận đóng góp ý kiến họ chỉ cần chỉnh sửa ngày giờ, đảo một số nội dung trong bài cũ là… thành bài mới. Vẫn biết đây là chuyện cá biệt, nhưng thực tế này vẫn cần nghiêm túc xem xét, sửa đổi.

Trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch từ khâu đào tạo cũng gặp vướng mắc. Một số giảng viên tâm huyết đã bày tỏ bức xúc khi giáo trình giảng dạy chuyên ngành du lịch của trường bị Bộ GD-ĐT không chấp nhận vì thiếu… hàn lâm, dù rằng đây là giáo trình hợp tác kỳ công, chất lượng giữa nhà trường với các doanh nghiệp chuyên về du lịch. 

Thực tế, không thể phủ nhận những tín hiệu, cũng như một số thành quả nhất định mà ngành du lịch nước ta đạt được trong suốt thời gian qua. Tuy vậy, để thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển xứng tầm, các cơ quan chuyên trách không nên dừng lại ở việc vạch kế hoạch và hô khẩu hiệu, mà cần đưa ra những chính sách cụ thể để “cởi trói” cho ngành này.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục