Thủ tục nhiêu khê trong lĩnh vực xây dựng là nỗi ám ảnh của người dân và các doanh nghiệp mà ĐTTC đã phản ánh nhiều lần. Mới đây Bộ Xây dựng có báo cáo kết quả giai đoạn 2 rà soát thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng của Bộ. Theo đó, tỷ lệ đơn giản hóa các TTHC lên đến 95,8%, đồng nghĩa với việc mỗi năm tiết kiệm được hơn 2.415 tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân. Vậy, thực sự “ma trận” TTHC trong lĩnh vực xây dựng đã được hóa giải?
Vẫn còn mắc mứu
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 101 TTHC được thống kê giai đoạn 2, bộ này đã loại bỏ 23 thủ tục, gồm 18 thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng đối với tổ chức, cá nhân; 5 thủ tục về tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài. 72 thủ tục còn lại, ngoài rà soát 14 thủ tục thuộc diện ưu tiên (kiến nghị giữ nguyên 3, bãi bỏ 5 và đơn giản 6 thủ tục), Bộ xây dựng kiến nghị giữ nguyên 1 thủ tục, sửa đổi bổ sung 47 thủ tục, hợp nhất 5 và bãi bỏ 5 thủ tục.
Như vậy, trong số 101 TTHC, Bộ Xây dựng đã loại bỏ 33 và chỉ giữ nguyên 4 thủ tục. Theo đó, tỷ lệ đơn giản hóa chiếm tới gần 96%, gấp 3 lần yêu cầu Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Điều đáng nói, theo bộ này có đến 2.415 tỷ đồng của nhân dân và Nhà nước được tiết kiệm mỗi năm do giảm thiểu TTHC và những phiền hà của người dân cũng sẽ giảm.
Tuy nhiên xem xét trên thực tế, hiện nay vẫn còn bộc lộ rất nhiều bất cập về TTHC. Thí dụ, về thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, đến nay nhiều đô thị vẫn chưa xây dựng bản đồ tỷ lệ 1/2.000 nên thiếu cơ sở để quản lý, dẫn đến tình trạng phải thỏa thuận lại về quy hoạch, kiến trúc, làm phát sinh nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, dễ dẫn đến tùy tiện, tiêu cực.
Bên cạnh đó, các điều kiện để tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định hiện nay cũng khó thực hiện, nhất là quy định điều kiện về giá sàn tiền sử dụng đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hay việc phải được Bộ Quốc phòng thỏa thuận về chiều cao cho từng công trình cụ thể. Đặc biệt, một số địa phương tự đặt ra các thủ tục hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải làm, không đúng với quy định của Chính phủ…
Theo ông Vũ Văn Phấn, Tổ trưởng Tổ cải cách TTHC của Bộ Xây dựng, xây dựng cơ bản là công việc phức tạp, liên quan đến công tác quản lý nhà nước nên dù đơn giản hóa cũng vẫn còn nhiều thủ tục. Nhưng giảm được thủ tục nào sẽ bớt phiền hà cho nhân dân thủ tục ấy. Vì thế, giai đoạn 3 của Đề án 30 (hoàn thành trong năm nay) được coi là giai đoạn cực kỳ quan trọng khi chính thức bắt tay vào làm sau thời gian rà soát.
Sau khi Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nghiên cứu góp ý về kết quả tự rà soát của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện phương án đơn giản hóa các thủ tục, đồng thời tiếp tục rà soát các thủ tục còn thiếu, chưa thống kê và các thủ tục trong các văn bản mới ban hành. Giai đoạn này rất cần sự đóng góp ý kiến của người dân, doanh nghiệp.
Thái độ phục vụ, đổi mới tư duy
Sự phiền hà TTHC không chỉ có nguyên nhân từ Bộ Xây dựng mà còn từ nhiều bộ ngành khác, bởi để thông qua một dự án xây dựng công trình không phải chỉ có Bộ Xây dựng thực hiện. Chính vì liên quan đến nhiều khâu, nhiều ngành nên mới xảy ra tình trạng cấp trên chỉ đạo xuống cấp dưới, cục này đẩy sang cục nọ, phòng này chuyển sang phòng khác… Ông Phạm Sỹ Liêm, |
Đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn nên giảm thiểu thủ tục ở cấp bộ hay cấp tỉnh - thành, quận - huyện cho hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế dù giảm đến đâu nhưng không có sự đột phá về tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ vì dân và đạo đức của cán bộ, công chức, hiệu quả sẽ không cao. Sự nhũng nhiễu nhiều khi đến từ những khâu nhỏ nhất buộc doanh nghiệp phải chạy chọt.
Thực tế hiện nay mọi sự đều đổ cho thủ tục là chưa chính xác. Việc hàng trăm dự án được cấp phép ào ạt trước khi Hà Tây về với Hà Nội và việc hàng loạt sân golf ra đời, cho thấy thủ tục không phải là rào cản. Vì thế, thủ tục rườm rà hay gọn nhẹ quyết định ở chính những con người thực thi nó, những người tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Một thực tế đến nay vẫn chưa khắc phục được, đó là chuyện doanh nghiệp phải “lót tay” để có thể vượt qua những thủ tục nhiêu khê trong lĩnh vực xây dựng. Mặc dù Nhà nước khuyến khích việc chỉ rõ cá nhân công chức nhũng nhiễu nhưng gần như không có chuyện tố cáo công chức nhận tiền bôi trơn, lót tay từ các “nạn nhân” là doanh nghiệp, trừ một vài vụ việc báo chí phanh phui. Lý do đơn giản: Làm dự án không chỉ một lần, dự án này còn có dự án khác, doanh nghiệp buộc phải “thủ” mới mong thông qua được dự án, công trình mới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, bức xúc: “Họ có rất nhiều cách để làm việc này, thí dụ để tránh phải viết biên nhận, nhận hồ sơ của doanh nghiệp (căn cứ để xác định thời gian doanh nghiệp nộp hồ sơ), công chức có thể lấy cớ “hồ sơ nộp chưa đủ, chưa đúng và phải nộp cho đủ, cho đúng mới cấp giấy biên nhận. Mà như thế nào là đủ, đúng họ không hướng dẫn”.
Một thực tế khác: Càng phân cấp về địa phương, doanh nghiệp càng phải chịu tệ bôi trơn, nhũng nhiễu. Không ít địa phương đã tự đặt ra các thủ tục không đúng với quy định của Chính phủ, như xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện; thỏa thuận về địa điểm của dự án; đi xin ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn như điện lực, cấp nước, môi trường, phòng cháy chữa cháy, di tích lịch sử văn hóa, an ninh... nằm ngoài quy định của Nhà nước. Việc giải quyết khâu con người vẫn là việc nan giải nhất. Bởi cần cách làm đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp, nâng cao trình độ nhận thức của bản thân cán bộ công chức... mới mong “việc này mới xong”! Vì vậy có lẽ phải cần nhiều hơn một đề án 30.
Quyết liệt vào cuộc
Cải cách TTHC không phải là công việc chỉ làm một lần là xong, mà là việc thường ngày, phải soi xét từ các quy định đến con người. Cơ quan chức năng phải hiểu được nỗi khổ mà người dân lâu nay gánh chịu. Trước khi ký một văn bản, cơ quan hành chính cần suy xét xem điều đó có cần thiết hay không, tức sẽ phải thay đổi tư duy, cách thức khi soạn thảo các văn bản. Ông Cao Lại Quang, |
Theo ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Tổ công tác đề án 30 của Chính phủ, dù đã đi được 2/3 chặng đường, đã thống kê đầy đủ các thủ tục nhưng giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất còn ở phía trước. Giai đoạn này cần sự đồng thuận rất cao của các bộ, ngành, địa phương. Bởi lĩnh vực xây dựng liên quan đến rất nhiều ngành khác, như đất đai do Bộ Tài nguyên - Môi trường phụ trách; muốn có giấy phép đầu tư phải làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư; tìm nguồn vốn đầu tư phải làm việc với Bộ Tài chính; khi san lấp sông, kênh rạch, làm đường (trong khu dân cư) phải làm việc với ngành giao thông công chính, nông nghiệp - phát triển nông thôn… Chưa kể hoạt động kinh doanh bất động sản diễn ra ở địa phương nào doanh nghiệp phải liên hệ với địa phương đó. Vì thế nếu chỉ Bộ Xây dựng thực hiện cải tiến TTHC trong xây dựng sẽ rất khó đẩy nhanh tiến độ thực hiện một dự án, công trình xây dựng.
Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Chánh văn phòng Bộ Xây dựng, Tổ phó Tổ công tác đề án 30 của Bộ Xây dựng, bên cạnh việc rà soát 14 thủ tục thuộc diện ưu tiên, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành đồng thời việc rà soát các TTHC liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật vừa được ban hành. Đặc biệt các TTHC liên quan đến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản vừa được Quốc hội thông qua, để sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC.
Nếu kiến nghị của Bộ xây dựng được Chính phủ thông qua, sẽ bớt đi được 33 thủ tục, trong đó hơn 30% thủ tục về cấp phép xây dựng, rút ngắn thời gian “chết” khi phải chờ cấp phép, đồng thời đỡ vất vả hơn trong việc thực hiện các thủ tục còn lại.
Theo Bộ Xây dựng, có 3 nguyên nhân làm cho việc thực hiện các thủ tục đầu tư chậm. Đó là các quy định về thủ tục còn rườm rà; công chức chưa làm hết lương tâm trách nhiệm, một bộ phận trong đó năng lực còn hạn chế; năng lực thực hiện những thủ tục đầu tư của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, cả 3 yếu tố trên phải được nâng chất. Đây mới chính là cách làm hiệu quả nhất để tháo gỡ “nút thắt cổ chai” trong xây dựng thời gian qua.
Khôi Nguyên (SGGP-ĐTTC)