Ngành xuất bản năm 2022: Nắm bắt cơ hội

Năm 2021 đã khép lại, đánh dấu một năm đầy khó khăn cho tất cả các ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản. Tuy nhiên, từ trong khó khăn đó, đã thấy được nỗ lực và sự thích nghi kịp thời của ngành để mang về những thành tựu nhất định cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển trong năm 2022. 

Thích nghi kịp thời 

Trước làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, có thời điểm ngành xuất bản trong nước gần như đóng băng hoàn toàn. Nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách, dù nhu cầu vẫn có nhưng sách lại không đến được với bạn đọc. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngành xuất bản đã từng bước có sự thích nghi, tìm kiếm những giải pháp cho mình. Vào năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng lên, thay vì bán sách theo phương thức truyền thống thì các đơn vị chuyển dịch sang kinh doanh theo hình thức online. Bước sang năm 2021, song song với việc kinh doanh sách giấy theo hình thức online, các đơn vị bắt đầu đẩy mạnh phát triển xuất bản phẩm điện tử như Audiobook, Ebook, Podcast... 

Song song với sách giấy, xuất bản phẩm điện tử được dự đoán sẽ có sự phát triển vượt bậc trong năm 2022 
Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty sách Omega Plus, đánh giá cao về sự dịch chuyển này. “Các sản phẩm nội dung số được đẩy mạnh. Điều này được thể hiện qua sự phát triển của một số đơn vị liên quan đến phát hành nội dung số như Fonos, Voiz FM. Tới đây, doanh thu, sự tăng trưởng của các đơn vị xuất bản không chỉ đến từ sách giấy mà còn đến từ các sản phẩm số với tỷ trọng ngày càng nhiều hơn”, ông Đại cho biết. 


Không chỉ những người trong nghề mới thích nghi, sự thích nghi này còn thể hiện ở chính người đọc. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Văn học, khoảng 2, 3 năm trước, khi chưa có dịch Covid-19 là sự lên ngôi của dòng sách tản văn, du ký. Thời điểm đó, rất nhiều tập tản văn, du ký từ tác giả trẻ, tác giả nghiệp dư, kể cả những tác giả được cho là gạo cội của nền văn học Việt Nam được đông đảo bạn đọc quan tâm. Trong năm qua, đã có sự cân bằng lại, không có sự nổi trội giữa các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn hay tản văn, du ký, phóng sự, ghi chép... “Điều này cho thấy bạn đọc đã có nhiều sự lựa chọn hơn về nội dung của tác phẩm. Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chất lượng bạn đọc của chúng ta hiện nay đang được nâng cao”, ông Vũ bày tỏ. 

Riêng ở lĩnh vực văn chương, mặc dù 2021 là một năm không mấy dễ dàng cho những người làm công việc sáng tạo, tuy nhiên không vì thế mà văn chương Việt bị đứt đoạn. Năm qua đã xuất hiện một số tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao như tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương, tiểu thuyết Nắng Thổ Tang của Đinh Phương, tiểu thuyết Nghiệp chướng của Lưu Vĩ Lân (đoạt giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2021); các tập thơ: Văn học vết thâm (Nguyễn Thúy Hạnh), Yao (Lý Hữu Lương), Ly ca (Đỗ Doãn Phương). Ở lĩnh vực nghiên cứu, phê bình là các tác phẩm: Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của Trương Đăng Dung, Nevermore - Hồi ức đau buồn bất tận của Hoàng Tố Mai, Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi của TS Đoàn Ánh Dương...

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2219/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022-2026. Mục tiêu của chương trình là ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xuất bản nhằm tăng cường cung cấp, phổ biến tri thức, phục vụ nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, thực hiện các định hướng phát triển đất nước. Trước đó không lâu, Việt Nam được chuyển giao đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023. Trong đó, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á. 

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), với việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023, một mặt thể hiện tính hội nhập quốc tế của xuất bản Việt Nam, mặt khác cũng là cơ hội cho ngành. “Thông qua hoạt động này, chúng ta có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm xuất bản từ các nước trong khu vực, đặc biệt là một số nước có nền xuất bản phát triển tương đối tốt như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Từ đó mở ra các kênh tiếp cận với các nền xuất bản lớn trên thế giới”, ông Nguyễn Nguyên cho biết. 

Để xuất bản Việt Nam nhanh chóng vượt qua khó khăn, tiếp tục tìm kiếm những cơ hội phát triển, một trong những kinh nghiệm từ năm 2021 mà các đơn vị cần phát huy, theo ông Nguyễn Nguyên chính là chú trọng vào chuyển đổi số. “Năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn, làm giảm số lượng, năng lực sản xuất cũng như doanh thu của ngành. Ngoài là xu hướng tất yếu, chuyển đổi số còn góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà xuất bản gặp phải trong giai đoạn giãn cách”, ông Nguyên nói thêm. 

Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Trọng Đại cũng cho rằng, các đơn vị cần có sự thay đổi về tư duy, thay vì níu kéo sách giấy, xem sách giấy là số một thì bây giờ phải cấp thiết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Kinh nghiệm từ thị trường TPHCM năm qua cho thấy, dù đã chuyển hướng sang bán sách online nhưng do giãn cách xã hội nên việc giao nhận, vận chuyển bị bế tắc, ùn ứ. Trong khi đó, sản phẩm nội dung số với những định dạng khác nhau lại có ưu thế vượt trội, không bị hạn chế bởi tính vật chất cần phải giao nhận hay vấn đề giao thông, thậm chí là phi biên giới. 

Các chuyên gia cho rằng, cần chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa sang sản phẩm số và phải xác định rằng, sản phẩm số không chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ, cũng không phải là doanh thu mang tính bổ sung, hỗ trợ cho sách giấy khi sách giấy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo dự đoán của nhiều người trong giới làm sách, xu hướng xuất bản của năm 2022 sẽ là sự tiếp tục với dòng sách minh họa bằng tranh, không bao gồm sách tranh dành cho thiếu nhi. Bởi đây là xu hướng chung về mặt tiếp nhận thông tin qua thị giác không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Cùng với đó là việc tái bản, in lại những tác phẩm cũ nhưng được đầu tư, chăm chút về hình thức để trở thành những ấn phẩm sang trọng, giàu tính thẩm mỹ. 

Tin cùng chuyên mục