Ngành xuất bản năm 2022: Tìm cơ hội từ chuyển đổi số

Ngày 23-3, tại TPHCM, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022. Hội nghị đã tổng kết công tác xuất bản năm 2021, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cho sự phát triển của ngành trong bối cảnh hiện nay.
Học sinh đọc sách tại thư viện
Học sinh đọc sách tại thư viện

Số lượng ấn bản bình quân còn thấp 

Giống như các lĩnh vực khác, năm 2021 cũng là năm mà ngành xuất bản phải đối mặt với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhà xuất bản (NXB) đã nỗ lực rất lớn từ việc nắm bắt thị trường, nhu cầu của độc giả đến việc thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, tuyên truyền, quảng bá sách. Nhờ đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của các NXB đều tăng so với năm 2020. 

Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản) cho thấy: Tính đến hết ngày 31-12-2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 xuất bản phẩm với hơn 400 triệu bản. Trong đó: xuất bản phẩm dạng sách in là 29.274 cuốn với 350 triệu bản; xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.300 xuất bản phẩm với ước tính khoảng 25 triệu bản (tăng 16 lần so với năm 2020). Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 2.997 tỷ đồng (tăng 12,4%).  

Một điều dễ nhận thấy trong năm qua là các ấn phẩm có nội dung liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19, ca ngợi tình cảm, nhiệt huyết của đội ngũ làm công tác phòng chống dịch và việc phục hồi kinh tế thời dịch bệnh được các NXB chủ động khai thác. Đặc biệt, năm 2021, nhiều cuốn sách có giá trị được xuất bản đã nhận được đánh giá cao của dư luận xã hội. Một số ấn phẩm thu hút nhiều bạn đọc và được in với số lượng lớn như: Muôn kiếp nhân sinh (in 340.000 bản), Nhà giả kim (310.000 bản), Hành trình về phương Đông (87.000 bản), Sức mạnh tiềm thức (62.000 bản), Sapiens - Lược sử loài người (44.000 bản), Từ tốt đến vĩ đại (33.000 bản)… 

Ở lĩnh vực phát hành, theo thống kê của Cục Xuất bản, cả nước có 1.442 cơ sở phát hành sách, trong đó 551 cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm là doanh nghiệp; 18 cơ sở phát hành xuất bản phẩm hoạt động xuất nhập khẩu sách. Năm 2021, toàn ngành phát hành trên 225 triệu xuất bản phẩm (giảm 31,8%); doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng (giảm 21,6%). 

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, dù có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, số lượng ấn bản bình quân còn thấp, khoảng 11.000 bản/ấn phẩm, nếu trừ đi số lượng sách giáo khoa, số lượng này chỉ còn 4.300 bản/ấn phẩm. Ngoài ra, chất lượng sách nhìn chung chưa cao, vẫn còn xuất hiện nhiều sách vô bổ, sách có nội dung sai sót, sai phạm, buộc phải tự thu hồi, sửa chữa hoặc bị các cơ quan chức năng xử lý; ít sách có giá trị cao, có sức lan tỏa, nhất là sách về khoa học chính trị, khoa học - công nghệ. 

Xuất bản điện tử trở thành mũi nhọn

Tại hội nghị, một nội dung quan trọng được xác định - chuyển đổi số là trọng tâm của ngành xuất bản trong thời gian tới, nhằm đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển. Theo ông Nguyễn Nguyên, việc ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đã được các NXB chú trọng hơn, tổng số lượng NXB được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên thành 12 NXB (tăng 33%) trên tổng số 57 NXB. Một số NXB dù chưa đăng ký xuất bản điện tử, nhưng với sự quan tâm của cơ quan chủ quản đang triển khai các dự án đầu tư lớn về công nghệ gắn với kế hoạch chuyển đổi số như: NXB Phụ nữ Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật… 

Bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông, cho rằng, chuyển đổi số có thể mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành. Theo bà, bằng sự xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, chuyển đổi số mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa. Những công đoạn của xuất bản truyền thống sẽ được giảm đi rất nhiều để tác phẩm đến được tay nhiều độc giả nhất trong thời gian nhanh nhất. Chuỗi quá trình, từ sáng tạo tác phẩm đến khi được phát hành đến bạn đọc, có thể được điều chỉnh phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. 

“Cùng với đó là khả năng đo lường sự quan tâm của bạn đọc với một xuất bản phẩm đang trong kế hoạch xuất bản hoặc sắp được công bố, thông qua mạng xã hội và các kênh phát hành riêng của NXB, để kịp thời có những bước đi hợp lý trong việc xuất bản và phát hành tới tay bạn đọc”, bà Mỹ Hạnh nói thêm.

Sau thời gian tạm ngưng, tới đây, NXB Trẻ sẽ tái đầu tư mảng sách điện tử. Hiện tại, ngoài sách giấy, đơn vị này đang đẩy mạnh phát hành sách nói qua các ứng dụng của Fonos và Voiz FM. “Nhận thấy nhu cầu và thói quen đọc của độc giả có sự chuyển hướng sang sách điện tử và sách nói, chúng tôi cũng bắt theo xu hướng này. Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư vào phần kỹ thuật cho Ebook, để phục vụ bạn đọc tốt hơn trên nền tảng của mình”, bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ, chia sẻ.

“Có thể nói, năm nay sách nói phát triển rất tốt. Với chỉ 3 đơn vị (Voiz FM, Fonos và Waka) nhưng chúng ta đưa được lượng bạn đọc đến khoảng 25 triệu lượt, lượng bạn đọc đến với sách nói hiện nay tăng lên rất nhanh. Đó là cơ hội và kỳ vọng cho sự phát triển của ngành xuất bản”, ông Nguyễn Nguyên cho biết.

Tin cùng chuyên mục